NỘI DUNG
1. Tình hình tai biến điều trị
2. Một số thuật ngữ về tai biến điều trị
3. Nguyên nhân của tai biến điều trị
4. Tiếp cận một số nguyên lý về an toàn người bệnh
5. Các giải pháp để hạn chế tai biến điều trị
6. Kết luận
I. TÌNH HÌNH TAI BIẾN ĐIỀU TRỊ
1. Tại các nước phát triển
– An toàn người bệnh ngày nay đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất trong lĩnh vực y tế. Tần suất và mức độ tác động của tai biến điều trị trên thế giới không được biết rõ cho đến những năm thập kỷ 90, khi mà nhiều quốc gia trên thế giới công bố số lượng lớn bệnh nhân bị nguy hiểm do các tai biến điều trị gây ra, ước tính cứ 10 bệnh nhân nhập viện thì có 1 bệnh nhân bị tai biến điều trị.
– Có thể ví y tế ở thế kỷ 21 là thanh gươm 2 lưỡi. Một mặt, với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các thầy thuốc đã cứu sống nhiều bệnh nhân mà trước đây không điều trị được và đã cải thiện chất lượng cuộc sống đối với nhiều bệnh lý chính. Mặt khác, thực hành y khoa hiện đại trở nên phức tạp hơn và đưa bệnh nhân tiếp xúc nhiều nguy cơ hơn. Tại Mỹ, ước tính mỗi năm có 44.000 người chết do sai sót y khoa, cao hơn số tử vong do tai nạn giao thông (43.458), ung thư vú (42.297), AIDS (16.516). Tại Ấn Độ, khảo sát nguy cơ liên quan đến tiêm chích, có đến 1/3 trường hợp có nguy cơ bị lây lan bệnh nhiễm vi rut qua đường tiêm.
– Tổng hợp dữ liệu từ các công trình nghiên cứu về tai biến điều trị tại các bệnh viện thuộc các nước đã phát triển cho thấy tỉ lệ tai biến điều trị tính trên tổng số bệnh nhân nhập viện dao động từ 3,2 đến 16,6%.
2. Tại các nước đang phát triển
– Một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí BMJ (2012), hồi cứu 15.548 hồ sơ của 26 bệnh viện thuộc 8 nước Châu Phi (Egypt, Jordan, Kenya, Morocco, Tunisia, Sudan, South Africa and Yemen ) vào năm 2005, cho thấy tỉ lệ tai biến điều trị dao động từ 2,5 đến 18,4% trong tổng số bệnh nhân nhập viện. Trong đó, 83% các tai biến thuộc nhóm có thể phòng ngừa được, trong khi có đến 30% tai biến dẫn đến tử vong. Khoảng 34% tai biến do sai sót điều trị trong hoàn cảnh lâm sàng không phức tạp. Nguyên nhân chính là thiếu công tác huấn luyện và giám sát hoặc không tuân thủ phác đồ và các qui định của bệnh viện.
– Hiện các nước đang phát triển chưa có số liệu công bố chính thức về tai biến điều trị như các nước đã phát triển do chưa thiết lập hệ thống báo cáo sự cố tự nguyện như các nước đã phát triển. Tuy nhiên theo Tổ chức y tế thế giới, tỉ lệ tai biến điều trị tại các nước này chắc chắn sẽ cao hơn nhiều do những khó khăn về hạ tầng, về trang thiết bị, nhân lực, chất lượng thuốc,… Riêng nhiễm khuẩn bệnh viện, Tổ chức y tế thế giới ước tính tại các nước đang phát triển cao gấp 20 lần so với các nước đã phát triển.
– Tại Việt Nam, hiện chưa có công trình nghiên cứu tầm quốc gia nhưng có thể khẳng định tình hình tai biến điều trị sẽ không nằm ngoài tình hình chung như các quốc gia trên thế giới, hiện nay vấn đề tai biến điều trị trở thành một trong những áp lực xã hội đối với các bệnh viện, là một thách thức lớn đối với những nhà quản lý bệnh viện đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tai biến điều trị ở mức thấp nhất.
II. MỘT SỐ THUẬT NGỮ VỀ TAI BIẾN ĐIỀU TRỊ
1. An toàn người bệnh (Patient safety):
– Theo Tổ chức Y tế thế giới: an toàn người bệnh (ATNB) là sự phòng ngừa các sai sót có thể gây nguy hại cho người bệnh trong quá trình điều trị và chăm sóc.
– Theo Tổ chức nghiên cứu y tế và chất lượng (AHRQ): ATNB là một chuyên ngành trong lĩnh vực y tế, áp dụng các phương pháp an toàn nhằm hướng đến mục đích xây dựng một hệ thống cung ứng dịch vụ y tế đáng tin cậy. ATNB còn là một thuộc tính của ngành y tế, nó tối thiểu hóa các sự cố và tối đa hóa sự phục hồi từ các sự cố.
2. Tai biến (Adverse event):sự cố gây nguy hại cho bệnh nhân (BN) ngoài ý muốn, xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc BN chứ không phải do bệnh lý hoặc cơ địa BN gây ra. Có thể chia mức độ tai biến điều trị theo các nhóm:
– Tai biến nặng: đòi hỏi phải cấp cứu hoặc phải can thiệp lớn về điều trị nội khoa/ngoại khoa, gây mất chức năng vĩnh viễn hoặc gây tử vong
– Tai biến trung bình: đòi hỏi can thiệp điều trị, kéo dài thời gian nằm viện, ảnh hưởng đến chức năng kéo dài
– Tai biến nhẹ: tự hồi phục, điều trị tối thiểu hoặc không cần điều trị
3. Near miss (suýt gây tai biến): sự cố có khả năng gây nguy hại cho BN nhưng không xảy ra do may mắn, hành động sửa chữa hoặc can thiệp kịp thời.
4. Sai sót/Lỗi – Sai sót/Lỗi chủ động và Sai sót/Lỗi tiềm ẩn (Error, Active error, Latent error):
– Sai sót (error): thất bại của hành động theo kế hoạch hoặc sử dụng kế hoạch không đúng để đạt một mục tiêu mong muốn.
– Sai sót chủ động (active error): sai sót xảy ra trong quá trình trực tiếp chăm sóc bệnh nhân
– Sai sót tiềm ẩn (latent error): liên quan đến các yếu tố của môi trường chăm sóc tạo điều kiện thuận lợi cho sai sót chủ động dễ xảy ra
5. Phân loại sai sót và tai biến điều trị:
Theo Viện Cải tiến Chất lượng Y tế Hoa kỳ (Institute for Healthcare Improvement: IHI), tai biến điều trị có thể chia thành 7 nhóm:
– A: Hoàn cảnh hoặc sự cố có khả năng gây ra tai biến điều trị
– B: Sai sót xảy ra nhưng không đến bệnh nhân
– C: Sai sót xảy ra đến bệnh nhân nhưng không gây nguy hại
– D: Sai sót xảy ra đến bệnh nhân và đòi hỏi phải theo dõi hoặc can thiệp để khẳng định không gây nguy hại cho bệnh nhân
– E: Gây nguy hại tạm thời và đòi hỏi phải can thiệp điều trị
– F: Gây nguy hại tạm thời đòi hỏi phải nhập viện điều trị hoặc phải kéo dài thời gian nằm viện
– G: Gây nguy hại vĩnh viễn
– H: Đòi hỏi phải can thiệp cấp cứu tim phổi
– I: Gây tử vong
III. NGUYÊN NHÂN TAI BIẾN ĐIỀU TRỊ
1. Bệnh viện là môi trường có nhiêu nguy cơ để tai biến xảy ra
Nghiên cứu về yếu tố thuận lợi của tai biến điều trị tại các bệnh viện, những yếu tố thuận lợi sau đây được nhận dạng:
– Áp lực ra quyết định nhanh, thậm chí chỉ định miệng.
– Quá tải bệnh nhân
– Thiếu nhân viên
– Rào cản thông tin giữa người bệnh, nhân viên y tế và nhà quản lý
– Môi trường làm việc gây xao lãng, thiếu tập trung
– Trang thiết bị không đồng bộ
– Còn sử dụng những phương pháp chẩn đoán và điều trị có mức an toàn hẹp
Đối chiếu với thực tế các bệnh viện ở nước ta hiện nay, rõ ràng những yếu tố nguy cơ trên đều còn tồn tại tại các bệnh viện, do đó nguy cơ tai biến xảy là khó tránh khỏi.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi để tai biến điều trị dễ xảy ra, thực tế các bệnh viện luôn tiềm ẩn những nguy cơ (harm) vốn là thuộc tính của ngành y tế, bao gồm:
– Đặc điểm của người bệnh: cơ địa, sức đề kháng khác nhau
– Đặc điểm của can thiệp điều trị: luôn tiềm ẩn 2 mặt lợi và hại
– Đặc điểm về kỹ năng của nhân viên y tế: không thể hoàn toàn như nhau
– Đặc điểm của môi trường bệnh viện
2. Nguyên nhân hệ thống
Tuy nhiên, nguy cơ chỉ chuyển thành tai biến điều trị khi kèm với những lỗi của cá nhân hoặc lỗi của hệ thống.
Các lỗi hệ thống bao gồm:
– Lãnh đạo bệnh viện chưa đặt an toàn người bệnh là ưu tiên hàng đầu trong chương trình cải tiến chất lượng bệnh viện, thiếu chương trình hành động cụ thể, thiếu phân bố nguồn lực thích hợp cho hoạt động an toàn người bệnh
– Tồn tại “văn hóa buộc tội” trong hoạt động quản lý bệnh viện, xem nguyên nhân của tai biến điều trị là do lỗi cá nhân, không xem xét lỗi hệ thống.
– Thiếu hoạt động huấn luyện về an toàn người bệnh cho nhân viên
– Thiếu đầu tư trang thiết bị cho hoạt động an toàn người bệnh
– Thiếu hoạt động giám sát về an toàn người bệnh
– Thiếu xây dựng các qui trình bảo đảm an toàn người bệnh
3. Nguyên nhân cá nhân
– Thiếu kiến thức: chưa được huấn luyện về an toàn người bệnh, thường gặp ở những nhân viên mới.
– Thiếu kỹ năng: đã được huấn luyện cập nhật kiến thức, nhưng chưa đủ kỹ năng thực hành, thường gặp ở nhân viên mới hoặc nhân viên đã làm việc lâu nhưng lĩnh vực công tác ít gặp những tình huống tương tự.
– Thiếu tính kỷ luật: đã được huấn luyện, có kỹ năng thực hành tốt nhưng không tuân thủ những qui trình, qui định về an toàn người bệnh của bệnh viện
IV. TIẾP CẬN CÁC NGUYÊN LÝ VỀ AN TOÀN NGƯỜI BỆNH
An toàn người bệnh ngày nay dược xem là một môn học trong khoa học quản lý, các nguyên lý chính về an toàn người bệnh gồm:
– Tiếp cận hệ thống
– Văn hóa không buộc tội
– Hệ thống khó mắc lỗi
– Văn hóa an toàn người bệnh
Tiếp cận hệ thống:
Nội hàm chính của nguyên lý tiếp cận hệ thống là: khi phân tích nguyên nhân của tai biến điều trị đòi hỏi phải đi tìm các sai sót của cả một hệ thống chứ không chỉ dừng ở sai sót cá nhân hay nói cách khác phải tìm cho ra những lỗi tiềm ẩn trong hệ thống bên cạnh lỗi chủ động đã được phát hiện. Thông thường, tai biến chỉ xảy ra khi các hàng rào phòng thủ đều bị phá vỡ. Như vậy, cách phòng ngừa tai biến hiệu quả nhất là phát hiện các lổ hỏng và khắc phục nó của các hàng rào phòng thủ.
Ví dụ 1: Phẫu thuật lầm vị trí chỉ xảy ra khi có hàng loạt lỗ hỏng sau:
1) Bác sĩ không tuân thủ qui định đánh dấu vị trí phẫu thuật
2) Nhân viên gây mê tiếp nhận bệnh nhân vào phòng mỗ: không kiểm tra việc đánh dấu vị trí phẫu thuật, hoặc có kiểm tra nhưng vẫn cho bệnh nhân vào phòng mỗ.
3) Trước khi rạch da, cả ê kíp phẫu thuật không hội ý kiểm tra lần cuối vị trí phẫu thuật theo qui định.
Ví dụ 2: phát nhầm thuốc cho bệnh nhân chỉ xảy ra khi:
1) Điều dưỡng sao chép sai y lệnh của bác sĩ từ hồ sơ bệnh án
2) Điều dưỡng chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân từ sao chép sai, không kiểm tra đối chiếu lại với hồ sơ
Những sai sót trên sẽ không xảy ra nếu như mỗi bước thực hiện đều có lồng ghép động tác kiểm tra an toàn của mỗi bước vì lỗi của bước thực hiện trước sẽ bị chặn bởi bước thực hiện tiếp theo.
2. Văn hóa không buộc tội
Thuật ngữ “văn hóa buộc tội” (blaming culture) được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực an toàn người bệnh. Xuất phát từ cách tiếp cận cũ, khi tai biến điều trị xảy ra, câu hỏi đầu tiên thường gặp là “Ai làm sai?” (Who’s wrong ?), và thường có khuynh hướng qui trách nhiệm liên quan đến cá nhân – người trực tiếp chăm sóc người bệnh ở thời điểm gây ra tai biến. Với cách tiếp cận này, thường sẽ tạo ra tâm lý che dấu sai sót và ngại báo cáo sai sót. Hậu quả là các sai sót có thể lặp đi lặp lại ở các cá nhân khác hoặc ở khoa khác do bệnh viện không biết và đương nhiên chưa có giải pháp chủ động phòng ngừa.
Theo nguyên lý tiếp cận hệ thống, để có thể tìm ra hết những sai sót liên quan đến tai biến điều trị bao gồm cả sai sót chủ động và các sai sót tiềm ẩn của hệ thống, khi phân tích những nguyên nhân của tai biến, câu hỏi đầu tiên nên được đặt ra là “Cái gì sai?” (What’s wrong?), câu trả lời là liệt kê tất cả những nguyên nhân hoặc yếu tố có liên quan đến tai biến, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục liên quan. Với cách tiếp cận này, một mặt làm giảm đi sự e ngại khi báo cáo sai sót của các khoa, đồng thời giúp bệnh viện chủ động phòng ngừa được các sai sót lặp đi lặp lại ở các khoa khác trong cùng một bệnh viện.
3. Hệ thống khó mắc lỗi
Bên cạnh nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nhân viên, việc tạo môi trường làm việc có sự hỗ trợ chủ động của hệ thống nhằm hạn chế những sai sót do nhược điểm của yếu tố con người đã được chứng minh hiệu quả tại nhiều bệnh viện trên thế giới.
– Ứng dụng công nghệ thông tin: sử dụng chức năng cưỡng ép của các phần mềm (forcing function), tức là muốn thực hiện bước này thì phải thực hiện bước ngay trước của qui trình. Ví dụ: phần mềm kê đơn, phải nhập cân nặng bệnh nhân thì mới kê đơn thuốc được nhầm tránh cho nhầm liều thuốc (đối với nhi khoa)
– Chuẩn hoá các qui trình, ưu tiên các qui trình có nguy cơ cao về an toàn người bệnh như: qui trình an toàn phẫu thuật, qui trình truyền máu, qui trình cấp phát thuốc cho bệnh nhân
– Giảm dựa vào trí nhớ, tăng sử dụng hệ thống nhắc (reminder system): hạn chế nhược điểm của việc sử dụng trí nhớ, tận dụng những phương tiện thay thế trí nhớ như máy tính toán học, các phần mềm tính toán liều lượng, phần mềm qui đổi, máy vi tính tra cứu phác đồ,…
– Sử dụng bảng kiểm (checklist): công cụ đơn giản nhưng hiệu quả nếu được tuân thủ nghiêm túc, áp dụng trong những trường hợp chuẩn bị dụng cụ, chuẩn bị vận hành máy móc,…
Ví dụ: bảng kiểm dụng cụ phẫu thuật, bảng kiểm test máy thở, máy lọc máu,…
– Đơn giản hóa các bước trong qui trình, nhưng giao quyền kiểm soát các bước thực hiện qui trình.
Ví dụ: trong qui trình an toàn phẫu thuật tránh mỗ nhầm vị trí, kỹ thuật viên gây mê được giao quyền từ chối đưa bệnh nhân vào phòng mỗ nếu như phát hiện bác sĩ chưa đánh dấu vị trí phẫu thuật.
– Kiểm tra lẫn nhau (Double checks) đối với những qui trình có nguy cơ cao: đây là nguyên tắc cơ bản trong khoa học an toàn, đối với những khâu quan trọng sự nhầm lẫn có thể gây sự cố thì khi thực hiện phải được người thứ hai chứng kiến và kiểm tra.
Ví dụ: trước khi rạch da phẫu thuật, cần một phút hội ý trong kíp mỗ kiểm tra lẫn nhau về tên, chẩn đoán, vị trí phẫu thuật; điều dưỡng kiểm gạc trước và sau mỗ cần được người thứ hai chứng kiến và cùng kiểm tra; điều dưỡng sao chép y lệnh thuốc của bác sĩ cần được người thứ hai kiểm tra lại trước khi chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân, bác sĩ thông tim quyết định chọn loại catheter nào cần được bác sĩ thứ hai kiểm tra lại,…
4. Văn hoá an toàn người bệnh
– Định nghĩa: một tổ chức được xem là có văn hoá an toàn khi mỗi thành viên của tổ chức đó, bất chấp ở cương vị nào, đều thể hiện vai trò chủ động trong phòng ngừa sai sót, và vai trò của từng cá nhân nhân này được sự hỗ trợ của tổ chức.
– Nghiên cứu về văn hóa an toàn người bệnh, các tác giả đã đúc kết 7 yếu tố cấu thành văn hóa an toàn người bệnh trong bệnh viện:
+ Lãnh đạo: xem an toàn người bệnh là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của bệnh viện.
+ Làm việc nhóm (teamwork): các hoạt động trong bệnh viện được tổ chức làm việc theo nhóm một cách hiệu quả
+ Thực hành dựa vào chứng cớ: phác đồ điều trị của bệnh viện dựa trên cơ sở y học chứng cớ, thực hành lâm sàng tuân thủ phác đồ điều trị.
+ Dân chủ: mọi người được quyền nói và chỉ ra những nguy cơ, sai sót trong khoa mình, được tham gia sáng kiến cải tiến về an toàn người bệnh.
+ Học hỏi của tổ chức: bệnh viện tổ chức học từ sai sót, cải tiến từ sai sót.
+ Công bằng: xem xét lỗi hệ thống trước khi kết luận lỗi cá nhân.
+ Lấy người bệnh làm trung tâm: luôn là tiêu chí cho mọi hoạt động cải tiến chất lượng của bệnh viện.
Tùy thuộc mức độ vận dụng các yếu tố trên của các bệnh viện mà văn hóa an toàn người bệnh được hình thành ở những mức độ khác nhau
V. CÁC GIẢI PHÁP CỤ THỂ
1. Kinh nghiệm về các giải pháp an toàn của các ngành công nghiệp
Một số ngành công nghiệp đòi hỏi độ an toàn cao như ngành hàng không, năng lượng hạt nhân, dầu khí,… đã đưa ra những kinh nghiệm sau trong xây dựng và triển khai các hoạt động nhằm phòng chống các sai sót:
– Thiết kế công việc đảm bảo an toàn vì con người luôn có giới hạn
– Tránh dựa vào trí nhớ
– Sử dụng chức năng cưỡng ép: nếu không thực hiện bước này của qui trình thì không thể tiếp tục bước tiếp theo
– Đơn giản hóa và chuẩn hóa các qui trình
– Tổ chức làm việc nhóm hiệu quả
– Khuyến khích báo cáo các sai sót nhằm phòng ngừa các sai sót trong tương lai
– Người bệnh tham gia thiết kế các qui trình an toàn
– Dự báo trước những tình huống có thể xảy ra
– Thiết kế kế hoạch phục hồi khi tình huống xảy ra
2. Vai trò của Đơn vị quản lý chất lượng & an toàn người bệnh và Ban an toàn người bệnh
Đơn vị quản lý chất lượng & an toàn người bệnh:là một tổ chức không thể thiếu trong Hội đồng chất lượng bệnh viện. Đây là nhóm chuyên trách về các hoạt động cải tiến về chất lượng và an toàn người bệnh trong bệnh viện.
– Những hoạt động chính của Đơn vị quản lý chất lượng & an toàn người bệnh bao gồm:
+ Xác định các vấn đề có liên quan đến an toàn người bệnh (qua giám sát, báo cáo sự cố , điều tra có hệ thống tập trung vào các sai sót tiềm ẩn)
+ Phân tích một cách hệ thống tìm nguyên nhân hoặc các yếu tố có liên quan
+ Tìm giải pháp xử lý các tình huống an toàn người bệnh
+ Lập kế hoạch và thực hiện các cải tiến
+ Lượng giá các hoạt động cải thiện
+ Giám sát
+ Huấn luyện (Tập huấn) chuyên đề an toàn người bệnh trong sử dụng thuốc, máu và các sản phẩm của máu, sử dụng trang thiết bị, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện
+ Chịu trách nhiệm ra bản tin an toàn người bệnh định kỳ hàng tháng hoặc hàng quí
– Về lâu dài, hoạt động của đơn vị quản lý chất lượng & an toàn người bệnh sẽ theo hướng chuyên sâu về quản lý nguy cơ lâm sàng với mục tiêu là chủ động khắc phục các nguy cơ tiềm ẩn trong tất cả các qui trình chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Quản lý nguy cơ lâm sàng (Clinical risk management) cần trả lời 4 câu hỏi sau:
+ Cái gì sai trong các qui trình chăm sóc người bệnh?
+ Mức độ ảnh hưởng đến an toàn người bệnh như thế nào ? (để chọn ưu tiên)
+ Tần suất xảy ra ? (để chọn ưu tiên)
+ Giải pháp chủ động khắc phục ?
Ban an toàn người bệnh:
– Thành viên Ban an toàn bao gồm:
– Đơn vị quản lý chất lượng & an toàn người bệnh
– Đại diện các khoa lâm sàng: Cấp cứu, các khoa hồi sức, phòng mổ, và các khoa có nguy cơ cao tùy thuộc các bệnh viện
– Trưởng các phòng: kế hoạch tổng hợp, điều dưỡng, dược, chống nhiểm khuẩn, trang thiết bị, hành chính quản trị.
– Mục đích của Ban an toàn người bệnh:
– Hình thành nhóm hoạt động liên chuyên khoa, đa thành phần (bác sĩ trưởng khoa, điều dưỡng trưởng, phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê, kỹ thuật viên,…), sẽ hỗ trợ nhiều ý tưởng khả thi và toàn diện cho hoạt động an toàn người bệnh, đồng thời cùng tham gia các hoạt động cải tiến, giám sát
– Xây dựng mạng lưới an toàn người bệnh: tạo sự lan tỏa đến tất cả các khoa, đến từng nhân viên trong bệnh viện về tầm quan trọng của hoạt động an toàn người bệnh
– Xây dựng hệ thống báo cáo tự nguyện trong toàn bệnh viện
3. Một số hoạt động thiết thực nhằm hạn chế tai biến điều trị xảy ra ở mức thấp nhất
– Chuẩn hóa qui trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân:
+ Phác đồ chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật điều dưỡng: có lồng ghép nội dung an toàn người bệnh. Mỗi chủ đề, mỗi kỹ thuật đều có phần an toàn người bệnh, trong đó cho biết khi thực hiện kỹ thuật chăm sóc người bệnh thì sẽ có nguy cơ tai biến gì và cách phòng ngừa như thế nào.
+ Xây dựng các qui trình chuẩn về an toàn người bệnh như: qui trình an toàn phẫu thuật tránh nhầm BN, nhầm vị trí phẫu thuật, qui trình an toàn truyền máu, qui trình chống nhầm lẫn trong cấp phát thuốc cho người bệnh,…
– Huấn luyện (Tập huấn):
+ Cải tiến cách huấn luyện thực hành lâm sàng: lồng ghép huấn luyện cách phòng ngừa tai biến và xử trí các tình huống tai biến có thể xảy ra khi thực hiện kỹ thuật chăm sóc người bệnh
+ Huấn luyện chuyên đề về an toàn người bệnh: các qui trình chuẩn về an toàn người bệnh trong phẫu thuật, trong truyền máu, trong cấp phát thuốc,…
– Báo cáo tự nguyện, giám sát sự cố
+ Khuyến khích báo cáo tự nguyện các tai biến điều trị ở mọi mức độ: vai trò của các thành viên trong mạng lưới an toàn người bệnh rất quan trọng, cụ thể là trưởng khoa và điều dưỡng trưởng khoa. Thực tế cho thấy thường điều dưỡng trưởng khoa tham gia hiệu quả trong báo cáo các sự cố liên quan đén an toàn của khoa mình. Tỉ lệ báo cáo tự nguyện có lien quan đến mức độ văn hóa an toàn người bệnh của từng bệnh viện.
+ Giám sát sự cố qua hồ sơ bệnh án: kinh nghiệm các nước thực hiện tốt về an toàn người bệnh cho thấy, bên cạnh xây dựng hệ thống báo cáo tự nguyện, cần có hệ thống giám sát sự cố qua hồ sơ bệnh án, những bệnh án sau cần được lưu ý: những bệnh nhân nằm viện kéo dài, những bệnh nhân tái nhập viện trong vòng 30 ngày, những bệnh nhân phải chuyển viện, và những bệnh nhân tử vong.
+ Giám sát chuyên đề an toàn người bệnh: sẽ giúp phát hiện nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong an toàn người bệnh, hoạt động này sẽ do ban an toàn người bệnh đảm trách
– Hoạt động cải tiến an toàn người bệnh:
+ Các báo cáo tự nguyện, các sự cố phát hiện qua giám sát chuyên đề, giám sát hồ sơ bệnh án sẽ cung cấp vấn đề cho chu trình cải tiến chất lượng PDCA
+ Sử dụng biểu đồ xương cá để tìm hết những nguyên nhân hoặc yếu tố có liên quan đến sai sót hoặc tai biến điều trị
+ Tùy thuộc các nguyên nhân và các yếu tố liên quan, đề xuất các giải pháp can thiệp phù hợp
+ Triển khai thực hiện thí điểm
+ Đánh giá kết quả tác động
+ Nhân rộng
– Tổ chức học từ sai sót, bản tin an toàn người bệnh:nhằm tránh lặp lại sai sót ở khoa khác trong bệnh viện.
– Xây dựng hệ thống khó mắc lỗi:
+ Ngay trong khâu thiết kế xây dựng bệnh viện: phòng cách ly đúng chuẩn, phòng mổ áp lực dương, chống nhầm lẫn trong sử dụng khí y tế,…
+ Tăng cường sử dụng hệ thống báo động của các trang thiết bị
+ Một trong những kinh nghiệm về an toàn người bệnh tại các bệnh viện của các nước đã phát triển đó là sử dụng hệ thống nhắc thay thế cho sử dụng trí nhớ của nhân viên y tế do có nhiều nguy cơ nhầm lẫn, nhất là sử dụng thuốc.
+ Hệ thống nhắc được sử dụng nhiều và đã chứng minh tính hiệu quả của nó đó là ứng dụng công nghệ thông tin với các phần mềm kê đơn với các cảnh báo an toàn trong kê đơn, hệ thống tra cứu nhanh phác đồ điều trị,…
+ Một công cụ đơn giản và dễ thực hiện của hệ thống nhắc là bảng kiểm, thường được sử dụng trong các trường hợp chuẩn bị dụng cụ trong phẫu thuật và thủ thuật.
+ Ngoài ra, còn nhiều cách áp dụng hệ thống nhắc đơn giản nhưng hiệu quả như sử dụng các bảng biểu về liều lượng thuốc, các hình ảnh cảnh báo chống nhầm lẫn giữa các loại thuốc có hình dạng giống nhau.
– Khảo sát văn hóa an toàn người bệnh trong toàn bệnh viện:
+ Mục đích khảo sát: An toàn người bệnh là trách nhiệm của mỗi nhân viên trong bệnh viện, hiệu quả chỉ đạt được khi tất cả mọi người cùng ý thức và tham gia một cách tự giác. Mức độ nhận thức và sự tuân thủ những qui định về an toàn người bệnh thường khác nhau giữa các khoa trong cùng một bệnh viện, giữa các bệnh viện với nhau, hay còn nói cách khác là văn hóa an toàn người bệnh sẽ khác nhau giữa các cơ sở điều trị và sẽ thay đổi theo thời gian tùy thuộc vào những hoạt động và tác động của nhà quản lý. Do đó, việc khảo sát về văn hóa an toàn là công việc thật sự cần thiết, kết quả khảo sát sẽ giúp bệnh viện biết được những điểm mạnh về an toàn người bệnh để phát huy và nhân rộng, những lĩnh vực còn yếu, hoặc mức độ nhận thức của nhân viên các khoa còn chưa đúng đắn để có kế hoạch cải tiến và chương trình hành động tiếp theo.
Ngoài ra, nếu được tiến hành định kỳ, khảo sát còn giúp cho bệnh viện biết những thay đổi về văn hóa an toàn người bệnh của bệnh viện theo thời gian.
+ Công cụ khảo sát: có nhiều bộ công cụ giúp khảo sát, trong đó bộ câu hỏi khảo sát của Cơ quan nghiên cứu y tế và chất lượng (AHRQ: Agency for Healthcare Research and Quality) hiện được nhiều bệnh viện của nhiều quốc gia đánh giá cao và khả thi vì không đòi hỏi sự tương đồng về cấu trúc và tổ chức của các bệnh viện.
+ Tùy thuộc vào điều kiện và mục tiêu phấn đấu của mỗi bệnh viện, việc khảo sát được khuyến cáo nên thực hiện định kỳ mỗi năm, mỗi 18 tháng hoặc mỗi 2 năm.
VI. KẾT LUẬN
– Vấn đề tai biến điều trị là khó có thể tránh khỏi hoàn toàn trong suốt quá trình hoạt động của các bệnh viện do những đặc thù của ngành y tế. Tuy nhiên, từ những bài học kinh nghiệm từ những ngành công nghiệp có nguy cơ cao và của nhiều bệnh viện trên thế giới cho thấy có thể hạn chế tai biến xảy ra ở mức thấp nhất bằng cách tiếp cận và vận dụng những nguyên lý chung về an toàn và triển khai những can thiệp chủ động trong mọi hoạt động chăm sóc người bệnh của bệnh viện.
– Lý luận và thực tiễn tại các nước đã chứng minh: tai biến điều trị chắc chắn sẽ được kiểm soát tốt khi hình thành được văn hoá an toàn người bệnh trong mọi hoạt động của bệnh viện. Văn hoá an toàn người bệnh không tự nhiên có được, mà là kết quả của một quá trình phấn đấu kéo dài và liên tục của hàng loạt các hoạt động từ việc xây dựng mục tiêu, chương trình hành động về an toàn người bệnh của lãnh đạo bệnh viện đến hoạt động huấn luyện, nghiên cứu, giám sát, cải tiến chất lượng và chuyển đổi từ nhận thức sang hành động của từng nhân viên trong bệnh viện. Lãnh đạo bệnh viện và lãnh đạo các khoa phòng giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và hình thành và duy trì văn hóa an toàn người bệnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hospital Survey on Patient Safety Culture: 2012 User Comparative Database Report, AHRQ Publication No. 12-0017, February 2012
2. Patient Safety Research – A guide for developing training programmes, World Health Organization 2012
3. Global Priorities for Research in Patient Safety, World Health Organization 2008
4. Michel Dückers, PhD, Marjan Faber, PhD Juliëtte Cruijsberg, MSc – Safety and risk management in hospitals, IQ Scientific Institute for Quality of Healthcare, Radboud University, Nijmegen Medical Centre, December 2009
5. R M Wilson chief medical officer 1, P Michel director 2, S Olsen fellow 3, R W Gibberd conjoint professor 4, C Vincent professor 3 – Patient safety in developing countries: retrospective estimation of scale and nature of harm to patients in hospital,BMJ 2012;344:e832
6. G.Ross Baker & Peter Norton – Patient Safety and Healthcare Error in the Canadian Healthcare System, A Report to Health Canada
7. Stuart Emsplie, Kirstine Knox, Martin Pickstone – Improving patient safety:Insights from American, Australian, and British healthcare, ECRI 2002