Trong những năm gần đây các quan niệm về tàn tật và phục hồi chức năng (PHCN) có những thay đổi lớn. PHCN y học đơn thuần được thay thế bởi mô hình phục hồi chức năng xã hội. Ở Việt Nam, các hoạt động dịch vụ PHCN đã được cải thiện, chất lượng ngày một hoàn chỉnh hơn, đáp ứng một phần nhu cầu NTT [1]. Kể từ năm 1987, chương trình PHCN đã được lồng ghép thành công vào hệ thống chăm sóc sức khoẻ ban đầu [3]. Cho đến nay đã có trên 40 tỉnh thành triển khai chương trình này, [6]. Đây là chương trình rất phù hợp với điều kiện Việt Nam, hợp với lòng dân nên được các cấp các ngành, nhân dân ủng hộ và được bạn bè quốc tế đánh giá cao, đặc biệt là Tổ chức y tế thế giới (WHO) [10].
Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (PHCNDVCĐ) là một lĩnh vực đang được nhiều người quan tâm. Nó làm thay đổi nhận thức xã hội để xã hội chấp nhận NTT là thành viên bình đẳng trong xã hội.
Chương trình PHCNDVCĐ được triển khai tại Thừa Thiên Huế năm 1987 tại 3 huyện Phong Điền, Quảng Điền và Hương Trà do Sở Y tế chỉ đạo. Đến năm 1996 chương trình này được chuyển giao cho Làng Hoà Bình trực tiếp quản lý. Từ đó đến nay, chương trình tiếp tục cũng cố và mở rộng ra 96 xã, phường của 9/9 huyện thành phố, giúp cho 70% người tàn tật được chăm sóc PHCN ngay tại gia đình và cộng đồng.
Những năm đầu chỉ đạo, việc tập luyện cho người tàn tật chủ yếu thông qua đội ngũ cộng tác viên, về sau công tác tập luyện được chuyển giao trực tiếp cho người nhà bệnh nhân sau khi đã được tập huấn, hướng dẫn.
Tuy nhiên trong một thời gian dài như vậy nhưng chưa có một nghiên cứu nào đánh giá hiệu quả của 2 phương pháp PHCNDVCĐ. Vì thế chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này nhằm các mục tiêu sau:
- Đánh giá hiệu quả 2 phương pháp phục hồi chức năng trẻ tàn tật tại cộng đồng ở Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Đề xuất một số biện pháp để nâng cao hiệu quả chương trình phục hồi chức năng tại cộng đồng trong thời gian tới.