Lây truyền như vết dầu loang
Kể từ khi trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào những năm cuối của thế kỷ XX, dịch HIV/AIDS đã nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới, đặc biệt là tại châu Phi, châu Á. Từ đó đến nay, với tốc độ lây lan nhanh chóng trên toàn cầu, AIDS đã có mặt ở khắp nơi trên thế giới với khoảng hơn 80 triệu người bị lây nhiễm, gần 40 triệu người thiệt mạng.
Trong con mắt những người làm chính sách thế giới, HIV/AIDS không chỉ dừng lại ở một vấn đề sức khỏe mà đã trở thành một vấn đề xã hội, một mối đe dọa thường trực tới an ninh toàn cầu.
Hoạt động tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại Phường Vĩnh Ninh
ARV – một hướng đi mới
Suốt những thập kỷ qua, nhiều khám phá khoa học trong nghiên cứu, điều trị HIV/AIDS đã mở ra hy vọng, giúp cho những người nhiễm HIV/AIDS cải thiện sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Năm 2000, thuốc ARV ra đời và được đưa vào điều trị rộng rãi trên toàn thế giới đã mang đến hy vọng cho con người về khả năng có thể ngăn chặn được đại dịch AIDS. ARV được đánh giá là giải pháp thông minh vì hiệu quả cao và khả năng tác dụng trên nhiều mặt. ARV duy trì tải lượng HIV trong máu bệnh nhân với mức thấp, qua đó có thể phục hồi và duy trì sức khỏe người bệnh giúp giảm tỉ lệ tử vong, giảm khả năng nhiễm bệnh cơ hội, giúp bệnh nhân hòa nhập cộng đồng và có thể làm giảm HIV lây truyền cho người khác.
Theo báo cáo mới nhất của Chương trình phối hợp của LHQ về HIV/AIDS (UNAIDS), từ khi đưa phác đồ ARV vào điều trị, số người sống sót nhờ sử dụng thuốc kháng sinh này đã tăng lên gấp đôi kể từ năm 2010, trong khi các ca nhiễm mới HIV đã giảm 35% so với mức đỉnh điểm của hồi năm 2000. Các ca tử vong do AIDS cũng đã giảm 42% so với mức đỉnh điểm của năm 2004.
Theo các nhà nghiên cứu, nếu đẩy mạnh các biện pháp phòng chống HIV/AIDS bằng ARV thì đến năm 2030, HIV/AIDS sẽ không còn là mối đe dọa toàn cầu về sức khỏe, bởi nó có thể cứu 21 triệu người thoát chết và ngăn ngừa được 28 triệu trường hợp bị nhiễm virut. Người ta hy vọng trong 5 năm tới ARV sẽ đóng vai trò quyết định thành công trong chiến lược nhanh của LHQ.
Ngoài phương pháp kéo dài tuổi thọ nhờ điều trị ARV, các nhà khoa học còn tìm ra những phương thuốc điều trị HIV/AIDS khác như: cấy ghép nội tạng giữa những người virus HIV-1, giảm kích thước của các ổ lưu trú HIV, truyền máu từ dây rốn của người có nhiễm HIV, tách virus HIV/AIDS ra khỏi cơ thể người, tinh chỉnh gene loại bỏ gene của gene kháng HIV…
Tất cả vì mục tiêu 90-90-90
Tại hội nghị AIDS toàn cầu ở Australia tháng 7/2014, LHQ đã đưa ra các mục tiêu toàn cầu đến năm 2020:
- Có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng HIV của mình;
- Có 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV;
- Có 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.
Ba mục tiêu này được gọi là “Mục tiêu 90-90-90” của LHQ. Đây là những mục tiêu rất quan trọng và có tính chiến lược trong việc phòng chống HIV/AIDS nói chung, cũng như có thể ngăn chặn được AIDS vào năm 2030. Ngay lập tức “mục tiêu 90-90-90” trên đã được nhiều quốc gia coi là nền tảng trong chiến lược phòng chống HIV/AIDS của mình.
Có thể khẳng định, “mục tiêu 90-90-90” là những mục tiêu hết sức tham vọng và thách thức nhưng nó hết sức cụ thể. Thực hiện được những mục tiêu này không chỉ là bảo vệ sức khỏe tính mạng của con người mà còn là sự ổn định và phát triển của quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS đang giảm xuống thì mỗi biện pháp của mỗi chính phủ cần được triển khai làm sao cho hiệu quả nhất với chi phí thấp nhất.
Mới đây, tại phiên họp cấp cao Đại hội đồng LHQ về HIV/AIDS (tháng 6/2016), các nhà lãnh đạo trên thế giới đã ra Tuyên bố Chính trị của LHQ năm 2016 về kết thúc dịch AIDS khẳng định toàn thế giới sẽ “dồn tổng lực để đẩy nhanh tiến độ phòng, chống HIV” và “kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030”.
HIV là virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh dẫn đến chết người.
AIDS là giai đoạn cuối cùng của quá trình nhiễm HIV được thể hiện bởi các bệnh nhiễm trùng cơ hội, ung thư và các bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch dẫn đến tử vong. Thời gian từ khi nhiễm HIV đến biến chuyển thành bệnh AIDS tùy thuộc vào hành vi và đáp ứng miễn dịch của từng người nhưng tựu trung lại trong khoảng thời gian trung bình là 5 năm.
Vi rút HIV lây truyền từ người này sang người khác chủ yếu qua 3 đường: qua đường máu (thường là truyền máu, tiêm chích, săm da, qua các vết xước trên da, niêm mạc…); qua đường quan hệ tình dục với người đã bị nhiễm HIV; truyền từ mẹ sang con (mẹ nhiễm HIV truyền sang con trong thời kỳ mang thai, lúc sinh con và khi cho con bú).
|