Từ khóa
 
 
Thống kê truy cập
Truy cập tổng: 7.691.273
Truy cập hiện tại: 2.099
Liên kết website
Sở, ban ngành
Trung tâm Y tế Huyện/Thị xã/Thành Phố
Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế
Các đơn vị chuyên ngành phục hồi chức năng
Các tổ chức khuyết tật
trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá Website của bệnh viện chúng tôi như thế nào?
Khó trước mắt để tốt hơn cho lâu dài
Ngày cập nhật 27/06/2017

TTH - Dù rất nỗ lực phục hồi chức năng (PHCN) cho các bệnh nhân, tuy nhiên do thiếu phòng tập, Bệnh viện (BV) PHCN tỉnh đang gặp khó khăn trong công tác điều trị, nhất là với bệnh nhân nhỏ tuổi bị bại liệt, thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển.

Thiếu phòng tập, các em phải điều trị, phục hồi theo giờ, theo suất tại khu vực 234 Chi Lăng Huế

Nỗi lòng của người thân

Sáng 21/6, đến thăm cơ sở 2, tại 234 đường Chi Lăng, TP. Huế thuộc BV PHCN tỉnh đã thấy cảm giác ngột ngạt ngay từ cổng vào. Xe cộ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ra vào nườm nượp. Chị Bạch Thị Y, phường Phú Bài (Hương Thủy) đưa con đến điều trị với nét mặt buồn: “Cháu bị chứng bại liệt từ nhỏ, gần 2 năm nhờ y, bác sĩ nơi đây điều trị, luyện tập nên sức khỏe khá lên nhiều. Trước đây, ở cơ sở cũ (93 Đặng Huy Trứ, TP. Huế) rộng rãi, thoáng mát, nhưng từ ngày chuyển về đây mẹ con em gặp nhiều khó khăn. Hàng ngày, nếu đi muộn là hết chỗ vì phòng hẹp, trẻ lại đến điều trị đông. Cũng vì phòng hẹp nên khi cháu này tập phải tránh cháu kia, hiệu quả kém đi nhiều so với trước.

Bên cửa lớn nhìn vào phòng điều trị, các cháu vừa đứng vừa ngồi đông như nêm. Gương mặt trẻ nào cũng rịn mồ hôi dù trên tường có nhiều quạt máy. Chị Lê Thị B. ở phường Hương Hồ (Hương Trà), phụ huynh của bé trai bị thiểu năng trí tuệ đang ngồi cạnh cửa phòng điều trị biểu lộ dáng vẻ mệt nhọc. Hỏi chuyện, chị chia sẻ như trút nỗi buồn: “Trời nắng nóng, cơ sở phòng ốc chật hẹp, bệnh nhân mỗi ngày đến điều trị càng đông nên đành phải chịu khó. Nếu mình bỏ cuộc, con mình chịu thiệt thôi”.

Bác sĩ Đoàn Thị Minh Xuân, Phó Giám đốc BV PHCN tỉnh tạo điều kiện cho chúng tôi thăm hết cơ sở này để thấu hiểu sự nhọc nhằn của bệnh nhân và cán bộ y, bác sĩ nơi đây. Đây là cơ sở thuộc phòng khám Da liễu, BV Phong - Da liễu tỉnh, hiện có cơ sở chính ở KQH phường Hương Sơ, TP. Huế “cho” BV PHCN tỉnh mượn một phần để hoạt động. Không gian rất hẹp, diện tích đất khoảng 100m2 nhưng phải sắp xếp, gồm phòng tập trị liệu, phòng ngôn ngữ tư liệu, 4 phòng bệnh nhân nội trú; ngoài ra, phải dành một khu vực giặt là cho toàn BV PHCN tỉnh. Thăm khu điều trị nội trú, chúng tôi không tin nổi đây là phòng bệnh vì diện tích mỗi phòng chừng 8 - 10m2 phải kê 4 giường, ở giữa chỉ có lối nhỏ vừa một người đi vào.

TS. Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế cho biết, do hạ tầng cơ sở 93 Đặng Huy Trứ, BV PHCN tỉnh xuống cấp, hư hỏng nên cuối năm 2016, tỉnh và ngành y tế kêu gọi nguồn ngân sách Trung ương để xây dựng BV PHCN đạt chuẩn. Qua thời gian thẩm định, rà soát, chuẩn bị các thủ tục, đến nay Trung ương cho tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng BV PHCN với tổng kinh phí 45 tỷ đồng, gồm 2 cơ sở tại 93 Đặng Huy Trứ và ở KQH Hương Sơ, TP. Huế. Hiện công trình tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để chọn nhà thầu thi công; theo dự kiến, công trình sẽ khởi công vào cuối quý 3/2017 và hoàn thành sau 5 năm; trong đó, ưu tiên cơ sở 93 Đặng Huy Trứ triển khai trước với kinh phí gần 15 tỷ đồng, quy mô 2,5 tầng, với 2.400 m2, đầy đủ các phòng chức năng, điều trị bệnh và hệ thống sân vườn, cổng, tường rào... nhằm phục vụ tốt công tác điều trị PHCN cho trẻ em.

Bác sĩ Minh Xuân cho biết, bình quân mỗi ngày tại cơ sở này có hơn 52 bệnh nhi đến khám, điều trị, chưa kể phụ huynh và cán bộ y, bác sĩ hỗ trợ. Vì diện tích hẹp nên lãnh đạo BV có giải pháp tình thế là xếp lịch thứ tự theo theo suất, theo giờ; đồng thời, giải quyết một số bệnh nhẹ điều trị bán trú cho về trong ngày; số bệnh nặng, gia đình ở xa mới được điều trị nội trú.

Cần giải quyết khó khăn trước mắt

Theo Bác sĩ CKII Nguyễn Quang Hiền, Giám đốc BV PHCN tỉnh, BV có chức năng điều trị PHCN và tổ chức an dưỡng cho người bệnh và nhiều đối tượng khác có nhu cầu. Ngoài ra, còn thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, phối hợp thực hiện các chương trình dự án PHCN cho người khuyết tật cộng đồng trên địa bàn tỉnh. BV có hai cơ sở tại 93 Đặng Huy Trứ (TP. Huế) điều trị  PHCN cho trẻ bị các chứng bại liệt, bại não, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ... và ở 30 Tô Hiến Thành (TP. Huế) điều trị PHCN cho người lớn bị tai biến mạch máu não, chấn thương cơ xương khớp, viêm thần kinh bại liệt... Quy mô BV chỉ có 70 giường, phòng ốc còn hạn chế; song nhu cầu bệnh nhân đến điều trị PHCN ngày càng đông. Bình quân mỗi ngày, BV đón từ 180 - 200 bệnh ngoại trú và điều trị nội trú từ 110 - 120 bệnh (chưa kể trẻ em). Do đó, đơn vị đã trưng dụng thêm các phòng làm việc, nâng cấp, cải tạo thêm phòng chức năng để đáp ứng nhu cầu điều trị PHCN cho bệnh nhân.

 

Bác sĩ Hiền cũng cho biết, trước đây cơ sở 93 Đặng Huy Trứ là địa chỉ điều trị PHCN cho trẻ trên địa bàn tỉnh, nhưng để đáp ứng nhu cầu lượng bệnh ngày càng tăng, tỉnh, ngành y tế có chủ trương xây dựng mới BV PHCN tỉnh tại cơ sở 93 Đặng Huy Trứ với quy mô đạt chuẩn. Để đảm bảo tiến độ công trình, lãnh đạo đơn vị giao mặt bằng cơ sở 93 Đặng Huy Trứ vào tháng 10/2016. Thời điểm đó đến nay, khu vực điều trị PHCN cho trẻ phải nhờ tạm một phần ở Phòng khám Da liễu 234 Chi Lăng, BV Phong Da liễu tỉnh để hoạt động và mong sớm trở lại “nhà mới” tại cơ sở 93 Đặng Huy Trứ. “Hiện tại, các cháu phải ở tạm phòng ốc chật chội đã ảnh hưởng lớn đến việc điều trị PHCN.Chúng tôi rất buồn lòng nhưng chưa tìm ra giải pháp nào tốt hơn”. Bác sĩ Hiền chia sẻ.

Nguồn: Minh Văn - Báo Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 
Lịch công tác tuần
Thứ hai ngày 23/12/2024
Thứ ba ngày 24/12/2024
Thứ tư ngày 25/12/2024
Thứ năm ngày 26/12/2024
Thứ sáu ngày 27/12/2024
Thứ bảy ngày 28/12/2024
Chủ nhật ngày 29/12/2024
Chưa cập nhật lịch công tác