Phòng ngừa tàn tật là nhiệm vụ quan trọng của mọi thành viên trong cộng đồng, đặc biệt là cán bộ y tế. Nói chung hầu hết các loại tàn tật đều có thể phòng ngừa hoặc giảm nhẹ được bằng các biện pháp khác nhau với sự tham gia của cả cộng đồng.
1. Phòng ngừa bước I
Bao gồm các biện pháp ngăn ngừa không để xẩy ra khiếm khuyết:
- Phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.
- Chăm sóc, dinh dưỡng tốt trong quá trình điều trị, kết hợp tập luyện phục hồi nhằm phòng tránh các thương tật thứ phát.
- Phòng ngừa tai nạn (sinh hoạt, giao thông, lao động), chống bạo lực, chiến tranh.
- Tư vấn sức khỏe sinh sản, chăm sóc, theo dõi mẹ và thai nhi trong suốt quá trình mang thai.
2. Phòng ngừa bước II
Bao gồm các biện pháp để ngăn ngừa tình trạng khiếm khuyết không cho trở thành giảm khả năng:
- Phát hiện sớm khiếm khuyết, can thiệp y học, PHCN để giảm hoặc khắc phục khiếm khuyết.
- Cung cấp chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình, dụng cụ trợ giúp cho người khiếm khuyết.
- Cải tạo môi trường sống và làm việc cho phù hợp khuyết tật.
3. Phòng ngừa bước III
Bao gồm các biện pháp để ngăn ngừa giảm khả năng trở thành tàn tật và gây nên hậu quả của tàn tật. Đó là:
- Giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện cho trẻ được học hành, vui chơi như trẻ cùng trang lứa (với trẻ bị khiếm khuyết nhẹ).
- Giáo dục chuyên biệt cho trẻ bị khiếm khuyết nặng (bị mù, bị điếc câm).
- Dạy nghề, tạo công ăn việc làm, vui chơi, giải trí, tham gia hoạt động cộng đồng cho người lớn khuyết tật.
- Cung cấp dịch vụ chăm sóc tại nhà hoặc trung tâm điều dưỡng cho các đối tượng khiếm khuyết nặng.
- Cải tạo môi trường sống và làm việc cho phù hợp khuyết tật.
- Thay đổi thái độ của gia đình, xã hội đối với người khuyết tật
- Có chế độ, chính sách hỗ trợ hợp lý cho người khuyết tật.
(Sưu tầm)