Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Quý Tường Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, hiện cả nước có 38 Bệnh viện/Trung tâm Điều dưỡng – Phục hồi chức năng trực thuộc tỉnh/thành phố; Có 23 Bệnh viện/Trung tâm Điều dưỡng – Phục hồi chức năng trực thuộc các Bộ, ngành; 100% bệnh viện đa khoa tuyến trung ương, 100% bệnh viện đa khoa tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có khoa Vật lý trị liệu – PHCN. Chương trình PHCN dựa vào cộng đồng đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố, góp phần làm giảm tỷ lệ khuyết tật, tăng khả năng hòa nhập và tái hòa nhập cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật. Công tác PHCN đã góp phần vào sự thành công chung trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các đối tượng được PHCN ngày càng mở rộng: người bị bệnh nghề nghiệp, người khuyết tật bẩm sinh, người khuyết tật do lao động, do sinh hoạt trong cuộc sống và do bệnh tật khác… đều được quan tâm PHCN.
Mặc dù vậy, công tác chăm sóc sức khỏe, PHCN cho người khuyết tật vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần sự sự hỗ trợ có hiệu quả của nhiều tổ chức quốc tế, nhiều nước trên thế giới.
Trong thời quan qua, Bộ Y tế đã nhận được sự hỗ trợ của Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH ) trong công tác PHCN cho người khuyết tật. VNAH đã phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thực hiện một số hoạt động như: Khảo sát, đánh giá hệ thống phục hồi chức năng (PHCN) và các dịch vụ/hỗ trợ người khuyết tật ở nước ta; hỗ trợ xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống phục hồi chức năng; hỗ trợ xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành liên quan trong công tác PHCN/hỗ trợ người khuyết tật; Xây dựng và hoàn chỉnh biểu mẫu thu thập thông tin, quản lý thông tin NKT và một số hoạt động khác. Và hiện nay trong khuôn khổ của Dự án THỰC THI CHÍNH SÁCH VÀ TRỊ LIỆU CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT giai đoạn 2016-2020 do USAID tài trợ, thông qua VNAH, dự kiến có nhiều hoạt động hỗ trợ NKT Việt Nam.
Theo đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ phối hợp VNAH trong các hoạt động như điều chỉnh quy định về danh mục dịch vụ PHCN do bảo hiểm y tế chi trả và tập huấn triển khai tại một số địa phương; Xây dựng cơ sở dữ liệu toàn quốc về NKT thông qua mở rộng Phần mềm quản lý thông tin NKT (DIS) ra các tỉnh trên toàn quốc; Lồng ghép nội dung về hoạt động trị liệu vào tài liệu đào tạo định hướng, chuyển đổi và ngắn hạn về phục hồi chức năng; Xây dựng Kế hoạch hàng năm về trợ giúp NKT của Bộ Y tế; . Cung cấp chuyên gia, tư vấn trong nước và quốc tế để hỗ trợ kỹ thuật…
Nguồn Lê Hảo