Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt trong thời gian gần đây, nắng nóng kéo dài, tại một số địa phương đã xuất hiện bệnh đau mắt đỏ, để chủ động phòng, chống bệnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa ra khuyến cáo đối với bệnh đau mắt đỏ lây lan và cách phòng bệnh.
Cụ thể, bệnh nhân đã mắc bệnh đau mắt đỏ phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang,…
Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.
Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học, nghỉ làm để tránh lây nhiễm người xung quanh và lây lan cộng đồng.
Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh đau mắt đỏ thường gặp khi giao mùa, thời tiết thay đổi,… Đến nay, chưa có vắc xin phòng, thuốc điều trị đặc hiệu cho người bệnh. Ảnh: Internet.
Đồng thời, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Theo Cục Y tế Dự phòng, đây là bệnh dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay, chưa có một vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, những người bị đau mắt đỏ vẫn có thể bị nhiễm lại sau một thời gian ngắn khỏi bệnh.
Nguyên nhân chủ yếu là do vi rút Adenovirus, hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, thời điểm giao mùa… những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh.
Bệnh đau mắt đỏ dễ lây qua đường hô hấp, nước bọt, bắt tay, Đặc biệt, nước mắt người bệnh là nơi chứa rất nhiều virus. Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch.
Tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực.