Tảo hôn và kết hôn cận huyết thống là gì?
Tảo hôn là hiện tượng kết hôn của hai người nam và nữ khi họ chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Tại Việt Nam, tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật.
Hôn nhân cận huyết thống là hình thức hôn nhân nội tộc, là hôn nhân giữa các cặp vợ chồng trong cùng một họ hàng, hay nói cách khác là hôn nhân giữa những người có cùng dòng máu trực hệ. Có thể là hôn nhân anh chị em họ chéo, hôn nhân anh chị em họ song song tức hôn nhân con anh/chị với con em. Vì vậy, trên thế giới còn gọi là hôn nhân bà con hay hôn nhân giữa anh em họ.
Nguyên nhân tảo hôn và kết hôn cận huyết thống
Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là:
Nghèo đói, thất học, thiếu hiểu biết được coi vừa là nguyên nhân, vưa là hệ quả của vấn nạn tảo hôn. Yếu tố khác tác động đến tảo hôn là trình độ học vấn, nhất là đối với nữ, khi trình độ học vấn của người phụ nữ càng cao thì khả năng kết hôn sớm càng thấp và ngược lại.
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì kết hôn sớm là di nhu cầu về lao động là lý do quan trọng và nhận thức của người dân chưa đầy đủ về hậu quả, tác động tiêu cực của tảo hôn và hôn nhân cận huyết, chưa nhận thức được đây là hành vi bị cấm theo Luật hôn nhân và gia đình và sẽ bị xử lý theo pháp luật hoặc do ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán lạc hậu…không muốn chia tài sản cho người khác ngoài dòng họ; hiệu quả công tác tuyên truyền còn hạn chế... nên kết hôn cận huyết thống và tảo hôn ngày càng có xu hướng gia tăng.
Ảnh minh họa (nguồn baodansinh.vn)
Hậu quả tảo hôn và kết hôn cận huyết thống
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội, là nguyên nhân làm gia tăng nhanh số lượng và làm giảm chất lượng dân số. Thực tế cho thấy, tảo hôn ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm sinh lý, nhất là với các em gái. Bởi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, việc quan hệ tình dục sớm, mang thai, sinh đẻ, nuôi con sớm làm chậm quá trình phát triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn tới thoái hóa và các di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khỏe của bố, mẹ và con cháu. Hơn nữa, cuộc sống của các cặp vợ chồng “trẻ con” rất khó khăn, do chưa có việc làm, sống phụ thuộc gia đình; không có kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ... Kết hôn cận huyết thống làm suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật, làm suy thoái chất lượng giống nòi...
Làm gì để giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống?
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đối với cán bộ công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa- xã hội và người làm công tác dân số - KHHGĐ được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông.
Đối với công tác dân số - KHHGĐ cần triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông và giáo dục chuyển đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, truyền thông phải phù hợp và sát với tình hình thực tế của đồng bào, tuyên truyền dễ hiểu, dễ thực hiện. Cần tăng cường đôn đốc, giám sát hoạt động của các mô hình can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các xã và các trường phổ thông dân tộc nội trú...
Đối với người dân cần nâng cao trình độ học vấn cho người dân, đặc biệt là các em gái ở vùng sâu, vùng xa, người đồng bào dân tộc thiểu số. Việc nâng cao nhận thức và chấp hành đúng quy định của luật Hôn nhân và Gia đình để giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.