Việt Nam là quốc gia có sự phát triển kinh tế nhanh và công bằng trong những thập niên gần đây. Nhưng hiện nay, đất nước đang đối mặt với những gánh nặng bệnh không lây nhiễm nặng nề do toàn cầu hóa, đô thị hóa và sự già hóa dân số. Tỷ lệ hút thuốc lá trong số nam giới mặc đù đã giảm, nhưng vẫn còn rất cao (45,3%), và có tới 44,2% số nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại. Thừa cân và béo phì đã tăng từ 12% lên 16% trong 5 năm qua. Tính trung bình, dân số Việt Nam đang tiêu thụ muối cao gấp hai lần khuyến cáo của WHO. Bệnh tăng huyết áp cũng đang gia tăng nhanh chóng và hiện nay, cứ 5 người trưởng thành thì có một người tăng huyết áp.
Những nỗ lực phòng chống bệnh không lây nhiễm
Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ trong việc tăng cường tiếp cận chăm sóc sức khỏe toàn dân và đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, đặc biệt trong phòng chống các bệnh không lây nhiễm. Việt Nam đã cam kết ngăn chặn các ca tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm. bằng sự huy động sự hợp tác của tất cả các ban ngành và các đối tác liên quan thông qua Chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025, và các hành động đa ngành hiệu quả mà điển hình là trong lĩnh vực kiểm soát thuốc lá. Thông qua thực thi Luật và Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá đã giúp làm giảm đáng kể tỷ lệ hút thuốc ở nam giới đô thị.
Những khó khăn của công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng nhanh, tuy nhiên, hiện vẫn còn gần một phần tư dân số không có bảo hiểm y tế. Tỷ lệ hút thuốc lá trong số nam giới mặc đù đã giảm, nhưng vẫn còn cao, đặc biệt ở khu vực nông thôn còn rất cao. Việc thực thi Luật phòng chống tác hại thuốc lá chưa nghiêm. Tỷ lệ sử dụng bia rượu cao đứng thứ hai Đông nam á.
Hơn nữa, những người có nguy cơ bệnh tim mạch cao chưa được tiếp cận đầy đủ thuốc và tư vấn để phòng nhồi máu cơ tim và đột quỵ, giảm thiểu khả năng tử vong sớm. Các trạm y tế và các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu khác trên khắp cả nước chưa quản lý tốt các bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường. Ý thức người dân về khám sức khỏe định kỳ chưa cao nên phát hiện muộn nên để lại những di chứng trầm trọng và tỷ lệ tử vong cao.
Dân số Việt Nam đang già hóa (tỷ lệ trên 60 tuổi là 10,3%) và người cao tuổi thường mắc bệnh không lây nhiễm kép nhưng các cơ sở dịch vụ y tế chăm sóc người cao tuổi chưa tốt.
Giải pháp ngăn chặn bệnh không lây nhiễm
Bệnh không lây nhiễm có thể tránh được thông qua giảm thiểu những yếu tố nguy cơ (áp dụng các biện pháp dự phòng cấp 1, cấp 2), đồng thời tăng cường hệ thống y tế, tập trung vào tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu để quản lý và chăm sóc cho người đã mắc bệnh không lây nhiễm (áp dụng các biện pháp dự phòng cấp 2, cấp 3).
Bệnh không lây nhiễm chỉ có thể được phòng chống hiệu quả thông qua kiểm soát các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý và ít hoạt động thể lực cùng với việc tăng cường hệ thống y tế để phát hiện sớm, quản lý điều trị và chăm sóc người bệnh. Chính vì vậy phòng chống bệnh không lây nhiễm cần phải đa ngành, phải sử dụng các giải pháp về chính sách, luật pháp, kinh tế, văn hóa xã hội để kiểm soát thuốc lá, rượu bia, bảo đảm chất lượng thực phẩm, tăng cường dinh dưỡng và hoạt động thể lực.