Ngoài phương thức lây truyền chủ yếu của vi rút Zika qua muỗi Aedes, còn có một số bằng chứng cho thấy vi rút có thể lây truyền qua đường máu, tình dục và từ mẹ sang con. Vì vậy, người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh hoặc từ vùng dịch trở về, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) trong suốt quá trình mang thai hoặc dự định có thai hoặc trong ít nhất 6 tháng để phòng lây truyền zika qua đường tình dục.
Bệnh do vi rút Zika có thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày, người mắc bệnh thường có biểu hiện sốt, phát ban và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có khả năng hồi phục hoàn toàn, tuy vậy khoảng 60-80% trường hợp nhiễm vi rút không có biểu hiện triệu chứng.
Việc lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm chẩn đoán xác định Zika được thực hiện như sau: Bệnh phẩm nghi nhiễm Zika phải được thu thập bởi các nhân viên y tế. Bệnh phẩm thu thập là mẫu máu hoặc huyết thanh lấy vào thời điểm từ 1-5 ngày sau ngày khởi phát và được làm xét nghiệm NS1. Nếu kết quả xét nghiệm NS1 âm tính với sốt xuất huyết Dengue thì tiếp tục gởi về Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh hoặc Viện Vệ sinh dịch tể Trung ương để xét nghiệm xác định Zika.
Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh.
Để chủ động trong phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika, ngay từ đầu năm, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 435/KH-SYT ngày 14/3/2016 về việc triển khai công tác chủ động phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika tỉnh Thừa Thiên Huế và Hướng dẫn số 480/HD-SYT ngày 17/3/2016 về việc thực hiện quy trình giám sát, xử lý và chuyển tuyến điều trị dịch bệnh do vi rút Zika. Xin gởi theo file đính kèm để bạn đọc tiện tham khảo (đính kèm).
ThS. BSCKI Võ Đăng Huỳnh Anh