Từ khóa
 
 
Thống kê truy cập
Truy cập tổng: 7.757.848
Truy cập hiện tại: 5.537
Liên kết website
Sở, ban ngành
Trung tâm Y tế Huyện/Thị xã/Thành Phố
Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế
Các đơn vị chuyên ngành phục hồi chức năng
Các tổ chức khuyết tật
trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá Website của bệnh viện chúng tôi như thế nào?
Tại sao bệnh sốt xuất huyết lại gia tăng?
Ngày cập nhật 14/10/2015
Giám sát bọ gậy muỗi hàng tháng để phát hiện yếu tố nguy cơ cao bùng phát SXH (ảnh minh họa)

Từ đầu năm 2015 cho đến nay, theo thông tin ghi nhận cả nước có 43.000 người mắc, 28 trường hợp tử vong tại 53 tỉnh, thành phố; những ngày tới còn có khả năng tăng lên khi các địa phương đang vào đỉnh cao mùa bệnh. Bệnh bùng phát chủ yếu ở các tỉnh, thành phía Nam nhưng cũng đã xuất hiện tại miền Bắc và cả miền Trung. Các nhà khoa học cho rằng dịch bệnh xảy ra và gia tăng do “chu kỳ” tự nhiên. Mặc dù biết mùa truyền bệnh, hiểu bệnh xảy ra có “chu kỳ” nhưng vẫn bị động đối mặt với thực trạng này. Vậy tại sao bệnh sốt xuất huyết lại gia tăng?

Biện pháp phòng bệnh chưa đi sâu vào cuộc sống

Hiện nay ai cũng biết rằng bệnh sốt xuất huyết do muỗi truyền, chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu; việc phòng ngừa chủ yếu tập trung vào các biện pháp phòng chống trung gian truyền bệnh gồm muỗi trưởng thành và bọ gậy muỗi. Hai loài muỗi được xác định truyền bệnh sốt xuất huyết là Aedes aegypti hoạt động ở khu vực đô thị và Aedes albopictus hoạt động tại vùng nông thôn, miền núi.

Xua diệt muỗi trưởng thành chủ yếu thực hiện bằng các biện pháp sử dụng hương xua muỗi, bình xịt hóa chất cầm tay, hun khói với vỏ cau, vỏ dừa hoặc lá cây; treo mành tre, rèm tẩm hóa chất diệt muỗi ở cửa ra vào và cửa sổ, dùng vợt muỗi điện, phun không gian hóa chất... Phòng muỗi đốt bằng biện pháp làm lưới chắn muỗi vào nhà, thường xuyên ngủ trong màn chống muỗi kể cả ban ngày, mặc áo quần dài tay nhất là đối với trẻ nhỏ...

Loại bỏ ổ bọ gậy muỗi được xem là một biện pháp quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của công tác phòng chống sốt xuất huyết; vì vậy ngành y tế dự phòng đã sử dụng khẩu hiệu hành động “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết” để phát động chiến dịch truyền thông giáo dục sức khỏe. Loại bỏ ổ bọ gậy là giảm nguồn sinh sản của trung gian truyền bệnh vì bọ gậy muỗi Aedes có thể phát triển ở các loại dụng cụ chứa nước ở trong nhà và chung quanh nhà; do đó việc xử lý dụng cụ chứa nước để làm giảm nguồn sinh sản là biện pháp đơn giản và rất hiệu quả trong phòng chống chống trung gian truyền bệnh. Xử lý sạch bọ gậy ở dụng cụ chứa nước sinh hoạt như chum vại, bể nước mưa, chậu cây cảnh...; có thể dùng biện pháp ngăn chặn muỗi sinh đẻ như dùng nắp đậy thật kín, thả cá ăn bọ gậy...; lật úp các dụng cụ sử dụng như xô chậu, chén bát, máng nước gia cầm... Đồng thời việc loại trừ ổ bọ gậy cũng phải thực hiện đối với các bẫy kiến, lọ hoa, chậu cây cảnh, khay chứa nước thải của tủ lạnh hoặc điều hòa không khí...; có thể dùng dầu hoặc bỏ muối vào, thay nước mỗi tuần một lần, cọ rửa thành dụng cụ chứa nước để diệt trứng muỗi; cần thu dọn, phá hủy các ổ chứa nước tự nhiên hoặc nhân tạo như chai, lọ, lu, vò bị vỡ, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa... cho vào túi chứa vận chuyển tới nơi thu gom rác phế thải của địa phương hoặc hủy bỏ bằng cách chôn, đốt. Ngoài ra các hốc chứa nước tự nhiên như hốc cây, kẽ lá, gốc tre nứa... phải loại bỏ, lấp kín, chọc thủng hoặc làm biến đổi; nếu có điều kiện có thể sử dụng hóa chất diệt ấu trùng muỗi xử lý các ổ đọng nước như hố ga ngăn mùi, bể non bộ và cây cảnh, lọ hoa...

Các biện pháp cơ bản nêu trên đều được truyền thông giáo dục cho cộng đồng quan tâm thực hiện nhưng trên thực tế biện pháp này chưa được triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt. Hình như “biết mà không làm” là một căn bệnh cố hữu của một bộ phận người dân như biết vượt đèn đỏ có thể gây tai nạn giao thông nhưng vẫn cứ vượt, biết hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nhưng vẫn cứ hút... Vì vậy thực tế biện pháp phòng chống sốt xuất huyết chưa thật sự đi sâu vào cuộc sống sẽ dẫn đến hậu quả dịch bệnh bùng phát, gia tăng trong một số thời điểm là điều không thể tránh khỏi dù có nói đó là mùa bệnh phát triển hoặc “chu kỷ” bệnh.

Để chủ động khống chế dịch bệnh gia tăng

Các nhà khoa học xác định sốt xuất huyết có mùa bệnh phát triển tự nhiên trong năm như mùa bệnh sốt rét. Do đặc điểm địa lý, khí hậu khác nhau nên ở miền Nam và miền Trung sốt xuất huyết xuất hiện quanh năm; ở miền Bắc và Tây Nguyên bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11, riêng tại miền Bắc bệnh ít xảy ra vào những tháng khác vì thời tiết lạnh, ít mưa, không thích hợp cho sự sinh sản và phát triển hoạt động của muỗi truyền bệnh. Nhìn chung sốt xuất huyết tại nước ta phát triển mạnh nhất từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Tuy vậy, do sự biến đổi khí hậu hiện nay nên mùa bệnh sốt xuất huyết cũng có thể thay đổi theo. Khi dịch bệnh bùng phát thường đưa ra các nguyên nhân khách quan như do biến đối khí hậu, do mùa bệnh hay bệnh gia tăng theo “chu kỳ” tự nhiên... Ít khi nói đến nguyên nhân chủ quan từ việc thực hiện các biện pháp phòng chống không đạt được hiệu quả tốt. Vì vậy phải làm gì để chủ động phòng chống dịch bệnh trong khi khẩu hiệu hành động của ngành y tế dự phòng đã xác định rõ ràng.

Làm sạch dụng cụ chứa nước định kỳ để không có bọ gậy muỗi (ảnh minh họa)

Biện pháp không có bọ gậy muỗi

Qua công tác tuyên truyền, cộng đồng người dân đều biết các biện pháp loại bỏ ổ bọ gậy, diệt muỗi và bảo vệ cá nhân không bị muỗi đốt để phòng bệnh. Tuy nhiên trên thực tế việc triển khai thực hiện các biện pháp còn nhiều hạn chế. Môi trường sống chưa sạch, biện pháp ứng dụng còn thực hiện nửa vời; khi chưa làm giảm được nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh, bọ gậy muỗi truyền bệnh vẫn còn phát triển nhiều thì sốt xuất huyết xảy ra là điều dễ hiểu. Từ đây nên nói ngược lại “còn bọ gậy, còn sốt xuất huyết” để các cơ sở và cộng đồng người dân quan tâm nhiều hơn. Biện pháp loại bỏ ổ bọ gậy muỗi đã được nêu cụ thể ở trên nhưng cần phải thực hiện thường xuyên đến từng hộ gia đình thông qua hoạt động của các cộng tác viên y tế, lực lượng học sinh và các tổ chức quần chúng khác đều đặn hàng tuần tại khu vực có ổ dịch đang lưu hành và tiếp tục duy trì cứ mỗi 2 tuần một lần vào những tháng cao điểm từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm. Nếu không triển khai các hoạt động này thì sẽ không đạt được hiệu quả là điều tất yếu.

Thực hiện giám sát trung gian truyền bệnh

Song hành với biện pháp loại bỏ ổ bọ gậy muỗi, việc giám sát trung gian truyền bệnh cũng cần thực hiện để chủ động xử trí kịp thời biện pháp can thiệp trước khi dịch bệnh xảy ra gồm giám sát muỗi trưởng thành và giám sát bọ gậy muỗi.

Muỗi trưởng thành được giám sát mỗi tháng một lần bằng phương pháp soi bắt muỗi cái trú đậu trong nhà ban ngày trên quần áo, chăn màn, các đồ vật bằng ống tuýp hoặc máy hút cầm tay. Mỗi nhà soi bắt muỗi trong 15 phút, điều tra 30 nhà tại mỗi điểm và điều tra mỗi tháng một lần. Trên cơ sở này, tính chỉ số mật độ muỗi là số muỗi cái Aedes bắt được trung bình trong một nhà điều tra với đơn vị con/nhà theo công thức: [Số muỗi cái bắt được/số nhà điều tra].

Bọ gậy cũng được giám sát mỗi tháng một lần sau khi điều tra muỗi trưởng thành. Sau khi bắt muỗi trưởng thành, tiến hành điều tra bọ gậy bằng phương pháp quan sát, thu thập, ghi nhận và định loại bọ gậy toàn bộ dụng cụ chứa nước ở trong nhà và chung quanh nhà. Trong các chỉ số điều tra bọ gậy muỗi, cần quan tâm chỉ số BI (Breteau index) là số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes trong 100 nhà điều tra, thực tế phải điều tra tối thiểu được 30 nhà nên chỉ số BI được tính bằng công thức: [Số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi/ số nhà điều tra x 100]. 

Trên cơ sở điều tra muỗi trưởng thành và bọ gậy, nếu phát hiện chỉ số mật độ muỗi cao từ 0,5 con/nhà trở lên và chỉ số BI cao từ 30 trở lên là yếu tố có nguy cơ cao; riêng khu vực miền Bắc thì chỉ số BI từ 20 trở lên cũng đã là yếu tố có nguy cơ cao. Như vậy các địa phương cơ sở phải tiến hành công tác giám sát muỗi trưởng thành và bọ gậy một cách thường xuyên liên tục mới có thể phát hiện được tình hình nguy cơ để có biện pháp chủ động xử trí kịp thời trước khi sốt xuất huyết gia tăng, bùng phát thành dịch với nhiều người mắc và tử vong.

Điều cần quan tâm

Biết mùa truyền bệnh, hiểu bệnh sốt xuất huyết phát triển có “chu kỳ”; thường xuyên chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống ở các cơ sở nhưng trên thực tế dịch bệnh vẫn có những thời điểm gia tăng, bùng phát với nhiều người mắc và tử vong. Muốn sốt xuất huyết không gia tăng dù bất cứ thời điểm nào, nên chăng cần xem xét lại tính hiệu quả của các biện pháp, đặc biệt là biện pháp giảm nguồn sinh sản của muỗi để không có bọ gậy hiện diện với mật độ cao. Đồng thời lưu ý việc giám sát trung gian truyền bệnh một cách tự giác, khách quan, chất lượng, trung thực, khoa học để chủ động phát hiện yếu tố nguy cơ nhằm có biện pháp ngăn ngừa kịp thời trước khi bệnh gia tăng.

 

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH         

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 
Lịch công tác tuần
Thứ hai ngày 23/12/2024
Thứ ba ngày 24/12/2024
Thứ tư ngày 25/12/2024
Thứ năm ngày 26/12/2024
Thứ sáu ngày 27/12/2024
Thứ bảy ngày 28/12/2024
Chủ nhật ngày 29/12/2024
Chưa cập nhật lịch công tác