Trưởng khoa: DSĐH Đặng Văn Thân
Phó Trưởng khoa: DSĐH Cao Thị Lan Anh
Nhân viên: DSTH Nguyễn Thị Kim
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC CỦA
KHOA DƯỢC – TRANG THIẾT BỊ
Khoa Dược là khoa chuyên môn chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Giám đốc bệnh viện. Khoa Dược có chức năng quản lý và tham mưu cho Giám đốc bệnh viện về toàn bộ công tác dược trong bệnh viện nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng và tư vấn, giám sát việc thực hiện sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.
I. NHIỆM VỤ
1. Lập kế hoạch, cung ứng thuốc bảo đảm đủ số lượng, chất lượng cho nhu cầu điều trị và thử nghiệm lâm sàng nhằm đáp ứng yêu cầu chẩn đoán, điều trị và các yêu cầu chữa bệnh khác (phòng chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa);
2. Quản lý, theo dõi việc nhập thuốc, cấp phát thuốc cho nhu cầu điều trị và các nhu cầu đột xuất khác khi có yêu cầu;
3. Đầu mối tổ chức, triển khai hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị;
4. Bảo quản thuốc theo đúng nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản thuốc”;
5. Tổ chức pha chế thuốc, hóa chất sát khuẩn, bào chế thuốc đông y, sản xuất thuốc từ dược liệu sử dụng trong bệnh viện;
6. Thực hiện công tác dược lâm sàng, thông tin, tư vấn về sử dụng thuốc, tham gia công tác cảnh giác dược, theo dõi, báo cáo thông tin liên quan đến tác dụng không mong muốn của thuốc;
7. Quản lý, theo dõi việc thực hiện các quy định chuyên môn về dược tại các khoa trong bệnh viện;
8. Nghiên cứu khoa học và đào tạo; là cơ sở thực hành của các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học về dược;
9. Phối hợp với khoa cận lâm sàng và lâm sàng theo dõi, kiểm tra, đánh giá, giám sát việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý đặc biệt là sử dụng kháng sinh và theo dõi tình hình kháng kháng sinh trong bệnh viện;
10. Tham gia chỉ đạo tuyến;
11. Tham gia hội chẩn khi được yêu cầu;
12. Tham gia theo dõi, quản lý kinh phí sử dụng thuốc;
13. Quản lý hoạt động của Nhà thuốc bệnh viện theo đúng quy định.
II. TỔ CHỨC
1. Các bộ phận
a. Nghiệp vụ dược
b. Phụ trách kho cấp phát thuốc
c. Thống kê dược
d. Dược lâm sàng
e. Dược pha chế thuốc
2. Vị trí việc làm
a. Trưởng khoa: 01
b. Phó trưởng khoa: 01
c. Dược sĩ: 01-02
MÔ TẢ CÔNG VIỆC CỦA KHOA DƯỢC
I. TRƯỞNG KHOA
Dưới sự lãnh đạo của giám đốc bệnh viện, trưởng khoa chịu trách nhiệm giúp Giám đốc tổ chức, thực hiện các hoạt động của khoa và các nhiệm vụ được giao.
1. Nhiệm vụ
a) Căn cứ kế hoạch của bệnh viện, xây dựng kế hoạch hoạt động của khoa để trình giám đốc bệnh viện phê duyệt và tổ chức thực hiện;
b) Kiểm tra đôn đốc các thành viên trong khoa thực hiện tốt quy định về y đức, quy tắc ứng xử và làm theo lời dạy của Bác Hồ "Lương y phải như từ mẫu";
c) Tổ chức chỉ đạo các thành viên trong khoa thực hiện tốt nhiệm vụ của khoa và Quy chế bệnh viện;
d) Làm nghiên cứu khoa học; sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác chuyên môn và quản lý;
d) Hướng về cộng đồng tổ chức chỉ đạo mọi thành viên trong khoa tham gia công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu và chỉ đạo tuyến dưới;
e) Định kì sơ kết, tổng kết công tác báo cáo Giám đốc; những diễn biến bất thường, đột xuất phải báo cáo ngay;
f) Kiểm tra, giám sát việc kê đơn, sử dụng thuốc nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng thuốc và nâng cao chất lượng điều trị;
g) Tổ chức thực hiện việc nhập, xuất, thống kê, kiểm kê, báo cáo; phối hợp với phòng Tài chính - kế toán thanh quyết toán; theo dõi, quản lý kinh phí sử dụng thuốc đảm bảo chính xác, theo đúng các quy định hiện hành;
h) Theo dõi, kiểm tra việc bảo quản thuốc; nhập, xuất thuốc, hóa chất (pha chế, sát khuẩn) đảm bảo chất lượng theo đúng quy định hiện hành;
i) Thông tin, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc cho cán bộ y tế;
k) Chịu trách nhiệm tham gia hội chẩn hoặc phân công dược sỹ trong khoa tham gia hội chẩn khi có yêu cầu của lãnh đạo bệnh viện;
l) Quản lý hoạt động chuyên môn của Nhà thuốc bệnh viện;
m) Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Giám đốc bệnh viện giao.
2. Quyền hạn
a) Chủ trì giao ban khoa hàng ngày và dự giao ban bệnh viện;
c) Bố trí nhân lực trong khoa cho phù hợp với công việc;
d) Nhận xét các thành viên trong khoa, kể cả học viên thực tập về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, khả năng chuyên môn, báo cáo Giám đốc bệnh viện xét đề bạt, đào tạo, nâng lương, khen thưởng, kỉ luật;
e) Là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thuốc và điều trị tham mưu cho Giám đốc bệnh viện, Chủ tịch Hội đồng thuốc và điều trị về lựa chọn thuốc sử dụng trong bệnh viện; làm đầu mối trong công tác đấu thầu thuốc.
3. Yêu cầu
a) Trình độ chuyên môn: Dược sĩ đại học
b) Ngoại ngữ: Chứng chỉ B
c) Tin học: Chứng chỉ A hoặc văn phòng
d) Quản lý: Chứng chỉ Quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên
e) Kinh nghiệm: 02 năm làm công tác chuyên môn
II. PHÓ TRƯỞNG KHOA
1. Trách nhiệm: Phó Trưởng khoa là người giúp Trưởng khoa về từng mặt công tác do Trưởng khoa phân công và chịu trách nhiệm trước Trưởng khoa về những quyết định của mình. Ngoài ra, Phó Trưởng khoa phụ trách công tác Nghiệp vụ Dược.
2. Quyền hạn: Thay thế Trưởng khoa giải quyết những công việc theo giấy ủy quyền của Trưởng khoa và phải báo cáo lại những công việc đã giải quyết với Trưởng khoa.
3. Yêu cầu
a) Trình độ chuyên môn: Dược sĩ đại học
b) Ngoại ngữ: Chứng chỉ B
c) Tin học: Chứng chỉ A hoặc văn phòng
d) Quản lý: Chứng chỉ Quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên
e) Kinh nghiệm: 02 năm làm công tác chuyên môn
III. CÁC BỘ PHẬN
Tùy tình hình nhân lực, trình độ chuyên môn theo vị trí việc làm, Trưởng khoa/phòng phân công cán bộ phụ trách các bộ phận sau hoặc các nhiệm vụ khác khi được Giám đốc phân công:
1. Nghiệp vụ Dược
- Thực hiện công tác kiểm tra quy định chuyên môn dược tại khoa Dược, các khoa lâm sàng và Nhà thuốc trong bệnh viện;
- Cập nhật thường xuyên các văn bản quy định về quản lý chuyên môn, tham mưu cho Trưởng khoa trình Giám đốc bệnh viện kế hoạch phổ biến, triển khai thực hiện các quy định này tại các khoa trong bệnh viện;
- Đảm nhiệm việc cung ứng thuốc;
- Định kỳ kiểm tra việc bảo quản, quản lý, cấp phát thuốc tại khoa Dược;
- Kiểm tra việc sử dụng và bảo quản thuốc trong tủ trực tại các khoa lâm sàng;
- Đảm nhiệm việc kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng thuốc (nếu bệnh viện không tổ chức bộ phận kiểm nghiệm thì sau khi pha chế phải gửi mẫu cho các cơ quan có chức năng kiểm nghiệm thực hiện).
2. Phụ trách kho cấp phát thuốc
- Có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nguyên tắc về “Thực hành tốt bảo quản thuốc”, đảm bảo an toàn của kho;
- Hướng dẫn, phân công các thành viên làm việc tại kho thực hiện tốt nội quy của kho thuốc, khoa Dược;
- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xuất, nhập thuốc theo quy định của công tác khoa Dược và báo cáo thường xuyên hoặc đột xuất cho Trưởng khoa về công tác kho và cấp phát;
- Tham gia nghiên cứu khoa học, hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các thành viên trong khoa và học viên khác theo sự phân công.
3. Thống kê dược
- Theo dõi, thống kê chính xác số liệu thuốc nhập về kho Dược, số liệu thuốc cấp phát cho nội trú, ngoại trú và cho các nhu cầu đột xuất khác;
- Báo cáo số liệu thống kê khi nhận được yêu cầu của Giám đốc bệnh viện hoặc Trưởng khoa Dược. Chịu trách nhiệm trước Trưởng khoa Dược về nhiệm vụ được phân công;
- Thực hiện báo cáo công tác khoa Dược, tình hình sử dụng thuốc, hóa chất (pha chế, sát khuẩn), vật tư y tế tiêu hao trong bệnh viện định kỳ hàng năm gửi về Sở Y tế vào trước ngày 15/10 hàng năm (số liệu 1 năm được tính từ 01/10 đến hết ngày 30/9 của năm kế tiếp) và báo cáo đột xuất khi được yêu cầu.
4. Dược lâm sàng
- Chịu trách nhiệm về thông tin thuốc trong bệnh viện, triển khai mạng lưới theo dõi, giám sát, báo cáo tác dụng không mong muốc của thuốc và công tác cảnh giác dược;
- Tư vấn về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý cho Hội đồng thuốc và điều trị, cán bộ y tế và người bệnh;
- Tham gia theo dõi, kiểm tra, giám sát việc kê đơn thuốc nội trú và ngoại trú nhằm đẩy mạnh việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả;
- Hướng dẫn và kiểm tra việc sử dụng thuốc trong bệnh viện; chịu trách nhiệm tính toán hiệu chỉnh liều đối với người bệnh cần điều chỉnh liều; được quyền xem xét thay thế thuốc (nếu phát hiện thấy có tương tác trong kê đơn, kê đơn cùng hoạt chất, thuốc trong kho của khoa Dược hết) bằng thuốc tương đương đồng thời thông tin lại cho khoa lâm sàng biết và thống nhất việc thay thế thuốc.
5. Dược pha chế thuốc
- Thực hiện quy định của công tác dược, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn;
- Thực hiện pha chế theo đúng quy trình kỹ thuật đã được phê duyệt, danh mục thuốc được pha chế ở bệnh viện;
- Pha chế kịp thời và đảm bảo chất lượng các thuốc cấp cứu và đặc biệt chú ý khi pha chế thuốc cho trẻ em (chia nhỏ liều, pha thuốc tiêm truyền), thuốc điều trị ung thư;
- Tham gia nghiên cứu khoa học, hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các thành viên trong khoa và học viên khác theo sự phân công.