Hình ảnh: Điểm cầu tại tỉnh Thừa Thiên Huế do đồng chí Hoàng Hữu Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì và điều hành
Nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT, thực hiện kết nối liên thông toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh của các cơ sở y tế để thuận lợi trong việc thanh toán và giám định BHYT, cũng như tạo điều kiện thuận tiện trong việc khám bệnh, chữa bệnh cho người dân. Do đó, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và giám định, thanh toán khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Phải đầu tư cho hoạt động khám chữa bệnh và thanh toán BHYT một hệ thống thông tin đồng bộ, dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến, đáp ứng đầy đủ cho các yêu cầu quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, cho hiện tại và tương lai. Hệ thống cần đảm bảo cung cấp thông tin dữ liệu chất lượng tốt để vừa phản ứng nhanh, can thiệp kịp thời, vừa hỗ trợ công tác điều hành, quản lý, giám định dữ liệu điện tử và nâng cao năng lực khám chữa bệnh BHYT.
Đến nay, Bộ Y tế đã ban hành bộ mã danh mục dùng chung phiên bản 4 và đang chuẩn bị ban hành phiên bản 5. Bộ Y tế cũng đang hoàn tất Quyết định ban hành chuẩn dữ liệu đầu ra phù hợp với các Cổng tiếp nhận dữ liệu, giúp các cơ sở KCB chỉ phải áp dụng, thực hiện theo một chuẩn; đồng thời hướng dẫn cơ sở KCB trích xuất dữ liệu khám chữa bệnh BHYT theo chuẩn dữ liệu đầu ra để chuyển lên Cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế và Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam.
Đánh giá kết quả kết nối, liên thông dữ liệu giữa các cơ sở KCB với cơ quan quản lý và cơ quan BHXH thời gian qua, đại diện Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết:
* Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam (tại Công văn số 651/BHYT-CSYT ngày 03/3/2017):
- Đến tháng 02/2017, tỷ lệ kết nối liên thông dữ liệu trên toàn quốc đạt 94%.
- Tỷ lệ hồ sơ gửi đúng ngày trên toàn quốc trung bình đạt 41%.
- Số lượng hồ sơ bị từ chối do chưa chuẩn hóa DMDC: Quý IV/2016, số hồ sơ bị từ chối toàn bộ trung bình của cả nước chiếm tỷ lệ 23%, số lượng hồ sơ bị từ chối một phần chiếm tỷ lệ cao (47%). Tuy nhiên, tỷ lệ này có xu hướng giảm trên cả nước, đến tháng 01/2017, tỷ lệ hồ sơ bị từ chối toàn bộ chỉ còn 13%, tỷ lệ hồ sơ bị từ chối một phần còn 39%.
* Theo số liệu thống kê tại Cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế:
Đến tháng 02/2017, đã có: 7.758/13.568 cơ sở KCB (57,2%) chuyển dữ liệu lên Cổng dữ liệu y tế (Bộ Y tế). Trong đó có 6.905 cơ sở KCB (chiếm 50,89%) triển khai phần mềm VNPT-HIS, 853 cơ sở KCB (chiếm 6,29%) triển khai phần mềm KCB khác, còn lại 5.810 cơ sở KCB (chiếm 42,82%) chưa thực hiện chuyển dữ liệu KCB lên Cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế.
Những tồn tại, khó khăn, vướng mắc chủ yếu
* Các văn bản quy định trong lĩnh vực CNTT ngành y tế
- Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định trong lĩnh vực CNTT ngành y tế còn thiếu, chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ (đặc biệt là DMKT tương đương), gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.
- Hệ thống dữ liệu DMDC ngành y tế còn chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện do các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế thường xuyên bổ sung, thay đổi, dẫn đến khó khăn cho các đơn vị trong triển khai thực hiện thống nhất đồng bộ trong toàn quốc. Bộ mã DMDC sẽ đang thường xuyên, liên tục được bổ sung, cập nhật, chuẩn hóa.
- Các văn bản hướng dẫn về thuê dịch vụ CNTT theo quy định của Chính phủ chưa đầy đủ và hoàn thiện. Nghị Quyết 36a/NQ-CP cho phép được xác định giá thuê tạm thời. Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn chi tiết để thực hiện chưa có, vì vậy quá trình triển khai thuê dịch vụ CNTT chưa có căn cứ áp dụng, gây khó khăn cho các đơn vị thụ hưởng dịch vụ CNTT trong việc tìm kiếm nguồn lực tài chính để chi trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ.
- Một số văn bản hướng dẫn do BHXH Việt Nam ban hành chưa thống nhất với Bộ Y tế, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, dẫn đến khi triển khai áp dụng gây lúng túng, khó khăn cho các cơ sở y tế. Ví dụ: Yêu cầu các cơ sở KCB gửi dữ liệu khám chữa bệnh trong ngày đối với bệnh nhân kết thúc điều trị là chưa phù hợp với quy chế chuyên môn bệnh viện, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.
* Việc tổ chức thực hiện tại các đơn vị
+ Cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT (phần cứng, phần mềm)
- Các máy tính (PC) được các cơ sở KCB mua sắm ở nhiều thời điểm khác nhau, cùng với việc quy định của Bộ Tài chính phải mua xắm tập trung nên hiện tại vừa yếu về cấu hình, vừa thiếu về số lượng. Hệ thống mạng LAN trong cơ sở y tế chưa hoàn thiện, tốc độ đường truyền internet còn chậm, không ổn định, chưa có thiết bị để chia dải mạng LAN, hiện tượng trùng lặp IP còn xảy ra phổ biến ở hầu hết các đơn vị.
- Phần mềm quản lý khám, chữa bệnh (HIS) đang sử dụng tại các cơ sở KCB do nhiều doanh nghiệp CNTT cung cấp, nhiều phần mềm không được chỉnh sửa, cập nhật kịp thời để đáp ứng được với yêu cầu trích xuất dữ liệu theo các biểu mẫu thanh quyết toán BHYT theo quy định. Có CSYT đã phải thay phần mềm mới để đáp ứng yêu cầu, như: Bệnh viện E, Trung tâm Tim mạch (Bv E), Bệnh viện Phổi TW,... Sau khi thay, tỷ lệ sai sót đã giảm đáng kể.
- Nhiều dịch vụ kèm theo chưa có, như Hệ thống quản lý chữ ký số dùng trong y tế, quản lý mã định danh cá nhân cho từng đối tượng người dân…
- Chưa kết nối được kết quả xét nghiệm vào phần mềm do thiếu đồng bộ của các máy xét nghiệm, thiết bị sinh ảnh. Phim ảnh y tế chưa đưa vào hệ thống chung vì đòi hỏi dung lượng lưu trữ hệ thống quá lớn, tốn kém chi phí đầu tư ban đầu...
+ Nguồn nhân lực CNTT
Các cán bộ y tế chủ yếu được đào tạo về chuyên môn y khoa, nhưng ít được đào tạo về CNTT, đặc biệt ở tuyến y tế cơ sở nguồn nhân lực CNTT vừa yếu về chuyên môn thực hành CNTT và thiếu về số lượng, chưa đáp ứng trước yêu cầu triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế.
+ Một số tồn tại, vướng mắc cụ thể qua kiểm tra, giám sát trực tiếp tại cơ sơ y tế (CSYT) và theo theo dõi, tổng hợp của cơ quan BHXH:
a) Đối với Sở Y tế và CSYT
- Lãnh đạo một số đơn vị chưa xác định được trách nhiệm và tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong quản lý KCB và thanh toán BHYT; chưa quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện mã hóa DMDC và trích chuyển dữ liệu.
- Cá biệt có tỉnh chưa thực hiện theo đúng yêu cầu, chỉ đạo của Bộ Y tế về việc mã hóa DMDC tập trung tại Sở;
- CSYT đề nghị DMDC thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế trên Hệ thống thông tin giám định BHYT chưa chính xác, chưa đầy đủ.
- Một số CSYT cập nhật VTYT trong dịch vụ kỹ thuật cao theo định mức thanh toán, không theo giá mua thực tế;
- Nhiều CSYT chưa cập nhật DMDC đã thống nhất với cơ quan BHXH vào phần mềm thanh toán viện phí của bệnh viện hoặc cập nhật sai mã nhóm dịch vụ tại XML, dẫn đến tỷ lệ từ chối giám định tự động còn cao;
- Dữ liệu trong Biểu 79a-HD, 80a-HD, 19/BHYT, 20/BHYT, 21/BHYT chuyển hàng tháng không khớp với dữ liệu trong XML cả về số lượng và chi phí;
- Nhiều CSYT chuyển dữ liệu muộn hơn quy định, thậm chí có CSYT một tháng chuyển 01 lần (Bv Hữu Nghị, RHM TW,...);
- Có CSYT chưa chuyển được dữ liệu điện tử Quý 4/2016 do đã gửi chậm quá so với thời hạn gửi theo quy định của BHXHVN, hiện nay Cổng tiếp nhận hệ thống giám định đã “đóng”, không tiếp nhận nữa;
- Khối lượng công việc thanh quyết toán hồ sơ KCB BHYT hàng ngày tại CSYT quá nhiều, nhất là những bệnh viện lớn, dẫn đến việc chưa gửi được dữ liệu khi bệnh nhân ra viện đúng thời hạn theo yêu cầu của BHXH (trong ngày).
b) Đối với cơ quan BHXH
- Khi tiếp nhận dữ liệu, đối với những file XML báo tiếp nhận được trên Cổng thông tin giám định, nhưng sau một thời gian lại báo lỗi, mà không phản hồi thông tin cụ thể của thông tin sai lệch, lý do không tiếp nhận, không giám định được, làm cho CSYT phải mất rất nhiều thời gian rà soát lại;
- Nhiều trường hợp thẻ BHYT (hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa,...) không kiểm tra tự động qua hệ thống service được, vì thời hạn thẻ không có quy tắc, mạng 3G do BHXH cung cấp không hoạt động được, do đó các CSYT phải kiểm tra thông tin hiệu lực thẻ bằng thủ công, mất rất nhiều thời gian, công sức;
- Cổng tiếp nhận hệ thống giám định “đóng”, không tiếp nhận dữ liệu của những quý trước, nên CSYT không biết thực hiện thế nào.
Điểm cầu tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Để tổ chức, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tin học hóa trong quản lý KCB và giám định, thanh toán BHYT; Kế hoạch số 266/KH-BYT ngày 10/3/2017 của Bộ Y tế, cần thực hiện và tập trung vào một số nội dung sau:
* Đối với Sở Y tế
- Hoàn thiện bộ máy tổ chức làm công tác CNTT: Có cán bộ chuyên trách tại Sở; tổng hợp danh sách cán bộ làm CNTT của các CSYT để đáp ứng yêu cầu thực hiện tin học hóa tại tỉnh và tại mỗi đơn vị;
- Xây dựng kế hoạch chi tiết về đào tạo. Đào tạo không chỉ cho nhân viên làm công tác tác CNTT, Tài chính,… mà còn cho cả Lãnh đạo;
- Tổ chức cập nhật, mã hóa DMDC tập trung tại Sở, đối với các DMDC của các CSYT cấp tỉnh trước, có sự phối hợp, tham gia trực tiếp của CSYT, cơ quan BHXH cấp tỉnh và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CNTT để hoàn thiện bộ mã DMDC tại tỉnh, làm cơ sở cho các CSYT ánh xạ, sử dụng đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu kết nối, liên thông.
- Thường xuyên cập nhật thông tin từ Nhóm hỗ trợ (Skype) để nắm bắt được thực trạng tình hình khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ kịp thời.
* Đối với Giám đốc cơ sở y tế
- Đối với Giám đốc cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế, y tế các Bộ, ngành: Tổ chức cập nhật, mã hóa DMDC, với sự tham gia của cơ quan BHXH, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CNTT để hoàn thiện việc ánh xạ, sử dụng đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu kết nối, liên thông;
- Tham gia, chỉ đạo tham gia đầy đủ các buổi đào tạo, tập huấn tin học hóa trong ngành y tế do Bộ Y tế, Sở Y tế tổ chức. Giám đốc các đơn vị cần xác định trong việc tin học hóa tại mỗi đơn vị thì Phần mềm và Mã DMDC là QUAN TRỌNG, Nhân lực là CỐT TỬ. Vì vậy: cần khẩn trương rà soát, nâng cấp phần mềm, hoàn thiện mã DMDC tại cơ sở và tổ chức đào tạo, đào tạo lại để nâng cao năng lực cho đội ngũ tham gia vào quá trình thực hiện tin học hóa;
- Thường xuyên cập nhật, nghiên cứu đầy đủ các văn bản của Bộ Y tế, Sở Y tế, cơ quan BHXH để tổ chức thực hiện đảm bảo đúng nội hàm văn bản và qui định của pháp luật. Những khó khăn, vướng mắc, bất cập, không đúng quy định cần được báo cáo kịp thời, bằng văn bản về Sở Y tế, Bộ Y tế;
- Bộ Y tế khuyến cáo việc sử dụng phần mềm tại các CSYT: không bắt buộc CSYT phải sử dụng phần mềm của một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT nào, nhưng phần mềm phải đáp ứng Chuẩn yêu cầu đầu ra, kết nối và liên thông, giám định điện tử được theo quy định.
* Đối với Bộ mã danh mục dùng chung
Bộ Y tế là cơ quan duy nhất ban hành quy định mã DMDC sử dụng thống nhất trong ngành y tế trên phạm vi toàn quốc.
* Đối với cơ quan BHXH
- Phối hợp tốt hơn nữa với Sở Y tế, các CSYT trong việc kết nối, liên thông dữ liệu điện tử phục vụ công tác giám định;
- Chia sẻ các thông tin kịp thời với Sở Y tế để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Sở Y tế đối với các CSYT thuộc quyền quản lý. Nên chăng, duy trì chế độ giao ban định kỳ hang tuần để kịp thời tiếp nhận, sử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc;
- Cung cấp nhiều tài khoản truy cập hơn để các CSYT truy cập, thực hiện các chức năng khác nhau trên Cổng giám định, vì hiện tại mỗi CSYT chỉ được cấp 01 tài khoản để truy cập và thực hiện các chức năng khác trên Cổng Giám định. Như vậy, khi một máy đang sử dụng để gửi/ nhận dữ liệu thì máy khác đang kiểm tra tình hình KCB của bệnh nhân (thông tuyến) sẽ bị đăng xuất.
- Phản hồi thông tin đầy đủ, kịp thời những lỗi trong hồ sơ XML để CSYT hoàn chỉnh được kịp thời, chính xác, không mất nhiều thời gian, công sức.
* Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT
Cần xác định việc tham gia vào việc tin học hóa trong ngành y tế không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức rất lớn, tạo động lực phát triển doanh nghiệp và thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, đề nghị các doanh nghiệp cần khẩn trương hoàn thiện, nâng cấp phần mềm, đường truyền; đồng thời kịp thời hỗ trợ các CSYT triển khai, hoàn thành việc tin học hóa tại đơn vị./.