Từ khóa
Góp ý dự thảo
Ngày cập nhật 05/08/2011

Kính gửi: Các đơn vị khám chữa bệnh BHYT.

 Thực hiện công văn 3904/BYT-BH ngày 05 tháng 7 năm 2011 của Bộ Y tế về việc xin ý kiến góp ý dự thảo thông tư ban hành và hướng dẫn sử dụng danh mục VTYT được quỹ BHYT thanh toán.  Sở Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện một số nội dung sau:

    1. Các đơn vị khám chữa bệnh nghiên cứu kỹ và góp ý cho dự thảo danh mục VTYT được quỹ BHYT thanh toán cũng như thông tư hướng dẫn gửi kèm theo công văn 3904/BYT-BH ngày 05 tháng 7 năm 2011 của Bộ Y tế tại trang Web http://www.syt.hue.gov.vn để tải nội dung dự thảo thông tư.
    2. Góp ý cho dự thảo thông tư đề nghị các đơn vị khám chữa bệnh BHYT gửi qua đường công văn và qua địa chỉ Email:nghiepvuy_sythue@yahoo.com trước ngày 29 tháng 7 năm 2011để kịp thời tổng hợp báo cáo Bộ Y tế.
    Sở Y tế đề nghị các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện.

 

Dự thảo 6/2011

  THÔNG TƯ
Ban hành và hướng dẫn sử dụng Danh mục vật tư y tế
thuộc phạm vi thanh toán của quỹ Bảo hiểm y tế

Căn cứ Luật bảo hiểm y tế số 25 ngày 14 tháng 11 năm 2009 và Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế;
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14 tháng 8 năm 2009 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế;
Căn cứ Nghị định số 95-CP ngày 27/8/1995 của Chính phủ về việc thu một phần viện phí;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 14/TTLB ngày 30/9/1995 và Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTB&XH ngày 26/01/2006 của liên Bộ Y tế- Bộ Tài chính-Bộ Lao động, TBXH hướng dẫn thực hiện thu một phần viện phí;

Bộ Y tế ban hành Danh mục vật tư y tế thuộc phạm vi thanh toán của quỹ Bảo hiểm y tế và hướng dẫn thực hiện như sau:


Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục vật tư y tế thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế.


Điều 2. Phạm vi, đối tượng áp dụng 
1. Danh mục vật tư y tế ban hành kèm theo Thông tư này chỉ bao gồm các loại vật tư y tế sử dụng trong xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị cho người bệnh, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng dịch vụ. 
2. Danh mục vật tư y tế ban hành kèm theo Thông tư này là cơ sở để thanh toán chi phí về vật tư y tế được sử dụng cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.


Điều 3. Nguyên tắc thanh toán chi phí vật tư y tế
Nguyên tắc chung
    a) Chi phí VTYT được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán theo số lượng thực tế được sử dụng cho người bệnh và theo giá mua vào của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được ghi trên hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính và quy định của pháp luật về mua sắm vật tư.
    b) Đối với các loại vật tư y tế đã được kết cấu và tính vào giá thu viện phí của dịch vụ kỹ thuật, giá thu trọn gói theo ca bệnh và giá ngày giường điều trị thì quỹ Bảo hiểm y tế không thanh toán riêng. Đối với những loại VTYT chưa được kết cấu và tính vào giá của các dịch vụ kỹ thuật hay giá ngày giường điều trị thì thanh toán riêng theo nguyên tắc quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
    c) Mức thanh toán chi phí VTYT của từng trường hợp người bệnh được thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn về phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT đối với các nhóm đối tượng.
    d) Quỹ BHYT không thanh toán riêng đối với các loại VTYT thuộc các Nhóm sau đây:
- Nhóm 1- Bông, cồn, dung dịch sát khuẩn (đã được tính vào giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm và giá ngày giường bệnh);
- Tiểu nhóm 2.2- Băng dính (tính vào giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm và giá ngày giường bệnh);
- Nhóm 5- Kim khâu, chỉ khâu, dao mổ (đã tính vào giá dịch vụ kỹ thuật)
   đ) Quỹ Bảo hiểm y tế không thanh toán đối với các loại vật tư y tế sử dụng trong các dịch vụ thẩm mỹ và trong các dịch vụ kỹ thuật không thuộc phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm y tế.
2. Thanh toán trong một số trường hợp cụ thể:
a) Đối với các loại VTYT có thể sử dụng nhiều lần: 
- Giao cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định và thống nhất với cơ quan bảo hiểm xã hội về số lần sử dụng để thanh toán. Những loại VTYT đã có quy định hay hướng dẫn của Bộ Y tế về số lần sử dụng thì thực hiện theo quy định của Bộ Y tế; những loại chưa có văn bản quy định hay hướng dẫn của Bộ Y tế thì cơ sở KBCB căn cứ yêu cầu chuyên môn và thực tế sử dụng để xây dựng và thống nhất với cơ quan BHXH. Hai bên chịu trách nhiệm về số lần sử dụng này.
- Mức thanh toán đối với các VTYT sử dụng nhiều lần dựa trên giá mua vào và các chi phí cần thiết khác để bảo đảm vô trùng và yêu cầu chuyên môn.
b) Đối với các loại VTYT khó định lượng khi sử dụng: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xây dựng và thống nhất với cơ quan Bảo hiểm xã hội về định mức sử dụng sao cho phù hợp, tiết kiệm và thuận lợi trong thanh toán. 
c) Đối với các VTYT có đơn vị tính là “Bộ” thì các vật tư đi kèm đều được thanh toán. Nếu giá của các loại vật tư đi kèm được tính riêng lẻ thì thanh toán theo giá từng loại; nếu giá đã được tính trọn gói theo đơn vị là “Bộ” thì không tách riêng từng loại để thanh toán thêm.
d) Đối với các VTYT có nhiều chủng loại, giá VTYT chênh lệch khác nhau: Căn cứ tình trạng bệnh của người bệnh và yêu cầu chuyên môn, cơ sở KBCB có trách nhiệm lựa chọn chủng loại bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu chuyên môn và có chi phí hợp lý để sử dụng cho người bệnh và thanh toán với quỹ Bảo hiểm y tế. 
đ) Thanh toán đối với các loại VTYT được sử dụng để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn theo danh mục do Bộ Y tế quy định: Chi phí các loại vật tư y tế tiêu hao được tính trong tổng chi phí của dịch vụ kỹ thuật và được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán theo nguyên tắc và các mức hưởng theo từng nhóm đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 7 Chương II Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009.


Điều 4. Tổ chức thực hiện 
1. Căn cứ vào Danh mục vật tư y tế ban hành kèm theo Thông tư này; căn cứ mô hình bệnh tật tại địa phương và phạm vi và tuyến chuyên môn kỹ thuật, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lựa chọn, xây dựng Danh mục vật tư y tế để mua sắm và sử dụng tại đơn vị (theo mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này), gửi cơ quan BHXH để làm cơ sở thanh toán. Khi xây dựng danh mục chi tiết, cơ sở KBCB có thể ghi cụ thể tên các loại VTYT theo quy cách của nhà sản xuất hoặc tên riêng của từng loại VTYT để quản lý.  
- Đối với Trạm Y tế tuyến xã, Sở Y tế quy định danh mục sử dụng chung cho các Trạm Y tế của địa phương.
2. Việc lựa chọn VTYT trong Danh mục để tổ chức mua sắm và sử dụng tại mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo nguyên tắc: bảo đảm yêu cầu chuyên môn và chất lượng dịch vụ; ưu tiên lựa chọn các loại VTYT sản xuất trong nước; loại có chi phí, giá thành hợp lý.
3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm cung ứng đầy đủ các loại VTYT theo Danh mục đã xây dựng, không để người bệnh tự mua.
4. Khuyến khích cơ sở KBCB chủ động xây dựng định mức sử dụng đối với một số loại VTYT sử dụng thường xuyên, khó theo dõi, thống kê như băng, gạc, găng tay, bơm, kim tiêm... theo các khoa, phòng điều trị hay theo từng công việc cụ thể trong chăm sóc người bệnh, làm cơ sở thanh toán đối với các VTYT này, tránh thanh toán trùng lặp, lãng phí.
5. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tổng hợp, thống kê để thanh toán chi phí VTYT của người bệnh BHYT với cơ quan BHXH theo các mẫu biểu do Bộ Y tế ban hành. Khi xây dựng giá viện phí cần liệt kê đầy đủ chi phí của các loại VTYT cần thiết để thực hiện dịch vụ.
6. Danh mục VTYT được xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định về phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT và sự phát triển kỹ thuật của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Khi có yêu cầu sửa đổi, bổ sung danh mục VTYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có văn bản đề xuất, nêu rõ tên loại VTYT, sự cần thiết phải bổ sung, sửa đổi và gửi về Sở Y tế (theo mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này) để Sở Y tế tổng hợp gửi về Bộ Y tế (Vụ Bảo hiểm y tế); đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và trực thuộc các Bộ, ngành thì gửi trực tiếp về Bộ Y tế. 
7. Trường hợp người bệnh BHYT vào viện trước ngày Thông tư này có hiệu lực nhưng còn đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.


Điều 6.
 Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ... tháng ... năm 2011.
2. Quyết định số 6282/2003/QĐ-BYT ngày 08/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Danh mục vật tư y tế tiêu hao được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán và Quyết định số 21/2008/QĐ-BYT ngày 09/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Danh mục vật tư y tế tiêu hao, vật tư y tế thay thế sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh hết hiệu lực khi Thông tư này có hiệu lực thi hành. 
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Y tế để nghiên cứu, giải quyết./.

 Nơi nhận:                                                   KT. BỘ TRƯỞNG
- Bộ trưởng (để báo cáo);                                
THỨ TRƯỞNG
- Các Thứ trưởng Bộ Y tế;
- Văn phòng Chính phủ (Công báo, cổng thông tin điện tử từ CP);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Các BV, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế;
- Cục Quân Y-BQP; Cục Y tế-BCA;
- Y tế các bộ, ngành;
- Các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ Y tế;
- Cổng thông tin điện tử BYT;
- Lưu: VT, BH.

Xem tin theo ngày  
 
Liên kết website
Sở, ban ngành
Trung tâm Y tế Huyện/Thị xã/Thành Phố
Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế
Các đơn vị chuyên ngành phục hồi chức năng
Các tổ chức khuyết tật
Thống kê truy cập
Truy cập tổng: 7.460.396
Truy cập hiện tại: 2.154