Thực hiện Kế hoạch số 165/KH-BVPHCN ngày 10/4/2017 của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế về Truyền thông giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân và người nhà”. Xuất phát từ thực tế là trong số những trẻ bại não điều trị tại BVPHCN có một số trẻ bị động kinh, thỉnh thoảng lên cơn động kinh mà cán bộ y tế của BVPHCN phải xử trí. Thường những lúc trẻ lên cơn, người nhà rất lo lắng, không nắm vững nguyên tắc sơ cứu động kinh. Sáng ngày 23/5/2017, Khoa PHCN Nhi đã tổ chức buổi truyền thông về bệnh động kinh cho người nhà bệnh nhân. Có hơn 30 người nhà bệnh nhân tham dự.
Tại buổi truyền thông, trước khi đi vào nội dung chính của bệnh động kinh, cán bộ Khoa PHCN Nhi đã ôn lại một số kiến thức của buổi truyền thông tháng trước về bệnh Zika. Sau đó, trình bày một số kiến thức đơn giản, dễ hiểu về bệnh động kinh như nguyên nhân, biểu hiện thường gặp và các bước sơ cứu khi trẻ lên cơn động kinh. Đặc biệt nhấn mạnh những việc làm sai lầm thường gặp của người nhà khi trẻ lên cơn động kinh. Do chưa được trang bị những kiến thức cơ bản để xử trí động kinh nên họ thường hoảng hốt ghì chặt bệnh nhân mà không biết rằng việc làm này không những không có lợi mà còn gây hại cho trẻ vì sẽ làm cho trẻ khó thở, mệt hơn là để trẻ nằm yên tĩnh. Sau buổi truyền thông, kiểm tra lại người nhà, thấy rằng đa số đã nắm chắc các bước sơ cứu bệnh động kinh như sau:
· Trong khi lên cơn động kinh
- Không nên di chuyển bệnh nhân, không ghì chặt bệnh nhân.
- Dọn các vật xung quanh như bàn, ghế, vật sắc nhọn...ra xa bệnh nhân để tránh làm tổn thương đến bệnh nhân.
- Chú ý bảo vệ đầu bệnh nhân bằng cách kê gối hoặc tấm vải mỏng dưới đầu.
· Sau khi hết co giật
- Kiểm tra xem trẻ có thở bình thường không
- Đặt bệnh nhân nằm nghiêng sang một bên, đầu hơi ngữa ra sau
- Gọi người khác hoặc nhân viên y tế trợ giúp. Trường hợp thấy nguy cơ bệnh nặng thì khẩn trương chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế.
Một nội dung khác cũng được cán bộ Khoa PHCN Nhi truyền thông là cách thức dùng thuốc chống động kinh. Người nhà phải tuân thủ tuyệt đối theo y lệnh của bác sỹ chuyên khoa, thuốc chống động kinh phải dùng hằng ngày, đúng, đủ liều, không được dừng thuốc đột ngột, chỉ ngừng dùng thuốc ít nhất là 2 năm kể từ cơn động kinh cuối cùng./.
Một số hình ảnh hoạt động: