Rời trung tâm thành phố Huế khoảng 20 km về phía Bắc trên đường Quốc lộ 1A, chúng tôi đến chợ An Lỗ - Là nơi giao thương giữa huyện Phong Điền và Quảng Điền của tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ đây dọc theo con sông Bồ về phía Tây khoảng 10 km, chúng tôi đến Làng Cổ Bi 3, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây cuộc sống và sinh hoạt của người dân, đặc biệt là người khuyết tật vẫn còn gặp nhiều khó khăn do hậu quả của chiến tranh để lại.
Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (PHCNDVCĐ) đã được triển khai tại xã Phong Sơn từ năm 2012. Chúng tôi đã cùng Y sĩ Nguyễn Thị Thanh và cộng tác viên PHCNDVCĐ Nguyễn Thị Gái đến thăm, chăm sóc và hướng dẫn tập luyện cho hầu hết các bệnh nhân trên địa bàn xã, trong đó có gia đình bệnh nhân với hoàn cảnh vô cùng khó khăn và thương tật nặng làm cho chúng tôi cảm thấy đồng cảm và phải có trách nhiệm giúp đỡ.
Bà Trương Thị Hiền, sinh năm 1970, làm nông, là hộ cận nghèo của xã. Bà có 5 người con: 4 chị gái bình thường và học hành khá tốt, chỉ có con trai út là Lê Hạo Nam, sinh năm 2010, sau sinh 4 ngày cháu bị hẹp tá tràng bẩm sinh và phải mỗ, đến 2 tuổi tiếp tục mỗ tim bẩm sinh và có Hội chứng Down. Sau khi được CTV nhiệt tình chăm sóc, hướng dẫn tập luyện thường xuyên và đến 3 tuổi cháu có thể ngồi được.
Trong thời gian qua, chúng tôi vừa hướng dẫn tập luyện vừa chuyển giao kiến thức cho người nhà các kỹ thuật đơn giản như tập kiểm soát đầu thân, tập lăn lật, tập ngồi, đứng, đi, các bài tập kích thích sớm các giác quan còn lại, và đặc biệt lồng ghép các bài tập chức năng thông qua các trò chơi... Bằng sự kiên trì của CTV, sự hỗ trợ kỹ thuật PHCN của cán bộ quản lý chương trình PHCNDVCĐ từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, và đặc biệt là hợp tác của gia đình. Sau 3 năm kiên trì chăm sóc, tập luyện, nay cháu có thể tự đứng, đi một mình, biết sử dụng hai tay trong một số kỹ năng sinh hoạt hàng ngày, biết phát âm đơn giản và tinh thần phát triển rất tốt khi nhận biết lạ quen...
Chúng tôi hy vọng rằng, với sự nhiệt huyết của đội ngũ chương trình PHCNDVCĐ, sự hợp tác của gia đình và sự quan tâm giúp đỡ và chia sẽ nhiều hơn nữa của các ban ngành đoàn thể... Người khuyết tật nói chung và cháu Nam nói riêng sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận hơn với các dịch vụ y tế, để họ sớm tái hội nhập cộng đồng và tự tin vươn lên làm người có ích cho xã hội.