Từ khóa
Tham luận của đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh tại Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng về Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững
Ngày cập nhật 28/01/2016
Đồng chí Lê Trường Lưu - Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
Ngày 23/1, Đồng chí Lê Trường Lưu - Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trình bày tham luận của đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế tại Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng về “XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THỪA THIÊN HUẾ THEO HƯỚNG TĂNG TRƯỞNG XANH VÀ BỀN VỮNG”.
 
Dưới đây là toàn văn bài tham luận: 
Kính thưa Đoàn Chủ tịch !
Kính thưa các đồng chí đại biểu Đại hội !
Đoàn đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế xin bày tỏ sự nhất trí cao với các văn kiện của Đại hội. Tại diễn đàn trọng thể này, được sự nhất trí của Đoàn Chủ tịch, chúng tôi xin trình bày tham luận với chủ đề “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững” từ thực tiễn của Thừa Thiên Huế nhằm minh hoạ và góp phần làm rõ thêm vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng và kinh tế xanh trong các văn kiện của Đại hội.
Kính thưa Đại hội !
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với vấn đề môi trường ngày càng bị ô nhiễm; gia tăng hiệu ứng nhà kính; khí hậu toàn cầu biến đổi tiêu cực; tài nguyên bị khai thác cạn kiện... đe dọa đến sự sống và tương lai của nhân loại thì tăng trưởng xanh và bền vững đang là một trong những xu hướng được nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới hướng tới.
Phát triển xanh là sự gắn kết hữu cơ giữa 3 thành tố quan trọng: Kinh tế - Xã hội - Môi trường; nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống con người và toàn xã hội; đồng thời, chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên; cho phép giải quyết hài hoà những yêu cầu ngắn hạn và lợi ích dài hạn của nền kinh tế. Các nước EU, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước trong khu vực ASEAN đã có những điều chỉnh mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm lượng khí nhà kính, đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đối với nước ta; từ năm 2004, Chính phủ đã ban hành Chương trình Nghị sự 21 xác định con đường phát triển bền vững quốc gia; đến năm 2012, ban hành Chiến lược phát triển bền vững và Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2020, với mục tiêu hướng đến tăng trưởng bền vững đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Kính thưa Đại hội !
Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển xanh và bền vững. Trước hết, Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng; có hai di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới; có thành phố Huế - Cố đô của Việt Nam; là một trong những trung tâm: văn hóa, du lịch; y tế chuyên sâu; giáo dục - đào tạo; khoa học - công nghệ của miền Trung và cả nước; có đội ngũ trí thức đông đảo với trên 240 giáo sư, phó giáo sư và 515 tiến sĩ, trên 130 nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và trên 120 thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú. Thừa Thiên Huế còn có Vườn quốc gia Bạch Mã, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được xem là đầm phá lớn nhất Đông Nam Á với hệ sinh quyển và bảo tồn sinh học phong phú, đa dạng; là địa phương hội đủ các điều kiện để thực hiện chiến lược phát triển xanh và bền vững.
Từ năm 2005, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIII đã xác định phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững là mục tiêu có ý nghĩa không chỉ trước mắt mà là chiến lược lâu dài; trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp sang dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Từ định hướng đó, tỉnh đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương của Trung ương để đề ra nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ: dịch vụ chiếm gần 56% trong GRDP; công nghiệp chiếm trên 34%; nông nghiệp giảm còn dưới 10%.
Các ngành du lịch, dịch vụ được tập trung đầu tư hướng vào khai thác các lợi thế của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, giáo dục, y tế; trong đó, ưu tiên phát triển du lịch và các dịch vụ có thế mạnh, nhất là dịch vụ y tế, văn hoá, giáo dục và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
Công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường; các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đều được di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề; đồng thời, đầu tư thay đổi công nghệ tiên tiến, ít ảnh hưởng đến môi trường. Chú trọng thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, gắn với thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc xả thải, xử lý nước thải và môi trường các khu công nghiệp.
Nông nghiệp được quan tâm đầu tư phát triển toàn diện gắn với giảm nghèo bền vững; chú trọng phát huy lợi thế của tỉnh có bờ biển dài 128 km và 22 nghìn ha đầm phá để phát triển nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản gắn với giữ gìn môi trường và bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tỷ trọng lao động trong nông nghiệp giảm xuống còn 35%; độ che phủ rừng đạt trên 57%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 21%. Đời sống vật chất và tinh thần của khu vục nông thôn được cải thiện rõ rệt.
(An sinh xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật; nhiều chỉ tiêu đạt trên mức bình quân chung của cả nước như: tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 12%; tỷ lệ 16 bác sỹ trên một vạn dân; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,5%; tỷ lệ hộ sử dụng nước máy toàn tỉnh đạt 100% tại khu vực đô thị và 80% đối với khu vực nông thôn).
Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư đồng bộ theo mô hình Đô thị trung tâm kết nối với các đô thị vệ tinh. Trong đó, thành phố Huế với vai trò là đô thị trung tâm, được đầu tư xây dựng theo hướng xanh - sạch - đẹp, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường; gắn kết giữa văn hoá với du lịch; giữa bảo tồn và phát triển. Với những nỗ lực phấn đấu, thành phố Huế đã thực sự trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và được công nhận “Thành phố văn hoá ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường của ASEAN”. Là một trong những địa phương ít bị ô nhiễm.
Tuy vậy, trong quá trình phát triển, Thừa Thiên Huế cũng gặp không ít khó khăn trong việc tạo bứt phá về phát triển kinh tế, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển . Đây chính là mâu thuẫn nội tại trong quá trình phát triển nhanh và bền vững. Song kết quả đáng mừng là Thừa Thiên Huế bảo tồn nguyên vẹn các giá trị di sản văn hóa; giữ được môi trường xanh - sạch - đẹp; chất lượng cuộc sống và môi trường sống được nâng lên rõ rệt.
Kính thưa Đại hội !
Giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển cũng như giữa phát triển nhanh và bền vững là một thách thức to lớn đối với Thừa Thiên Huế. Kiên trì thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế theo hướng“Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; trọng tâm là:
1. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng “Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh”. Đô thị Thừa Thiên Huế hàm chứa sự đa dạng về địa hình - sông, núi, gò đồi, đầm phá, biển, cảnh quan thiên nhiên và văn hoá. Lịch sử hình thành đô thị Huế có tính đặc thù riêng: “Huế là một Kinh thành - một Kinh đô và nay là một Thành phố di sản văn hoá thế giới”. Vì vậy, để xây dựng và phát triển đô thị Huế, không nhất thiết phải xây nhiều nhà cao tầng, nhiều chung cư san sát nhau, có cư dân thành thị đông đúc và nhiều nhà máy. Quá trình đô thị hoá ở một số nước trên thế giới đã cho chúng ta thấy bài học nhãn tiền về ô nhiễm môi trường, khói bụi và ách tắc giao thông.
Phát triển đô thị Thừa Thiên Huế theo mô hình “Đô thị trung tâm và chùm đô thị vệ tinh” sẽ giúp giảm áp lực về giao thông; về ô nhiễm môi trường sống, đất ở đô thị và các hệ lụy khác về xã hội. Kết nối giữa các đô thị là hệ thống giao thông, cảnh quan thiên nhiên và cây xanh; khuyến khích nhân dân phát triển “vườn trong nhà, nhà trong vườn”, hướng đến xây dựng Thành phố vườn. Đó là Thành phố có môi trường thân thiện; xã hội hài hoà; văn hoá phong phú; nhân dân hạnh phúc.
2. Phát triển du lịch, dịch vụ thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Huế là vùng đất có hai di sản văn hoá thế giới; có nhiều loại hình nghệ thuật, lễ hội truyền thống, cùng với văn hoá ẩm thực, kiến trúc, y phục cổ truyền và nhiều làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Huế; nhiều di tích lịch sử, cách mạng; kết hợp hài hoà với cảnh quan thiên nhiên; môi trường sống trong lành, an toàn và thân thiện. Nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã nhận định: “Thiên nhiên Huế, cảnh vật Huế, con người Huế, tiếng nói Huế, phong cách Huế, tất cả đã tạo nên một bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa Huế độc đáo, hiếm vùng đất nào có được”. Những nét văn hóa, lịch sử độc đáo và khác biệt đó sẽ tạo cho Thừa Thiên Huế lợi thế so sánh để phát triển nhiều loại hình du lịch, dịch vụ chất lượng cao.
Thừa Thiên Huế còn có thế mạnh khác, đó là giáo dục - đào tạo và y tế chuyên sâu. Với truyền thống của Đại học Huế gần 60 năm xây dựng và phát triển, có môi trường học đường thân thiện; có Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế là hai đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới, với đội ngũ nhà giáo và thầy thuốc giỏi; nơi đào tạo “Thầy thuốc” và “Thầy giáo” không chỉ cho Thừa Thiên Huế mà còn cho nhiều địa phương khác trên toàn quốc, kể cả đi làm việc nước ngoài. Huế có đủ điều kiện để phát triển dịch vụ giáo dục, y tế gắn với phát triển du lịch; xem đây là hướng đột phá để tái cơ cấu mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.
Huế cũng là Thành phố duy nhất của Việt Nam được Chính phủ cho phép xây dựng Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Qua gần 9 lần tổ chức Festival, Huế đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho du khách; góp phần quảng bá, nâng cao vị thế văn hoá Việt Nam, văn hoá Huế trên trường quốc tế và hiệu quả ngoại giao văn hoá của Việt Nam. Trong những năm tới, tỉnh sẽ nghiên cứu chuyển đổi mô hình quản lý để nâng cao hiệu quả kinh tế của hoạt động Festival, xem đây là một hoạt động kinh tế để xúc tiến, quảng bá, thu hút phát triển du lịch chứ không phải chỉ là một hoạt động văn hóa đơn thuần.
3. Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ khoa học - công nghệ để tạo bứt phá trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng và hiệu quả của kinh tế. Xây dựng các cơ chế, chính sách để thu hút, sử dụng nhân tài, đặc biệt, phát huy vai trò của đông đảo đội ngũ trí thức, giáo sư, phó giáo sư, các nhà khoa học để tham gia hoạch định và phản biện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tăng cường đầu tư theo chiều sâu đối với các yếu tố nguồn lực, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
4. Tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nhất là đối với các nước phát triển trong tiếp cận công nghệ mới, huy động nguồn lực cho giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường... Đồng thời, chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước để trao đổi thông tin, kinh nghiệm về tăng trưởng xanh và bền vững.
5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng về phát triển xanh và bền vững; về sử dụng năng lượng, tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm và hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quyết liệt triển khai xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp.
Kính thưa Đại hội !
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững, đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế mà cần sự hỗ trợ to lớn của các ban, bộ, ngành Trung ương và sự đồng thuận của cả nước. Chúng tôi xin có một số kiến nghị như sau:
1. Kính đề nghị Trung ương bổ sung vào Báo cáo chính trị nội dung “tăng trưởng xanh và bền vững” và xem đây là vấn đề chiến lược có ý nghĩa lâu dài; đồng thời, nghiên cứu bổ sung một số địa phương có ưu thế vượt trội về tăng trưởng xanh để xây dựng “mô hình mẫu” nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược tăng trưởng xanh gắn với xây dựng thành phố thông minh vào phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020.
2. Để thực hiện có hiệu quả Chiến lược tăng trưởng xanh, Thừa Thiên Huế nhận thấy cần quan tâm phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao để tạo bứt phá trong phát triển kinh tế, tránh nguy cơ tụt hậu về kinh tế so với các địa phương trong khu vực. Đề nghị Trung ương và các ban, bộ, ngành quan tâm định hướng, quy hoạch giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn đến đầu tư, nhất là đối với các dự án thuộc lĩnh vực du lịch, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng tái tạo sạch... Đồng thời, có cơ chế đặc thù, thông thoáng và tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện “mô hình mẫu” về tăng trưởng xanh được phát triển các dịch vụ đặc thù như: casino, du lịch sinh thái gắn với khám, chữa bệnh, du lịch đầm phá...
 
Với thế mạnh về truyền thống lịch sử và vai trò nổi trội trong các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ và du lịch; cùng với sự hỗ trợ của Trung ương và sự giúp đỡ của bạn bè trong nước, quốc tế; Thừa Thiên Huế sẽ cùng với thành phố Đà Nẵng đảm nhận vị trí một vùng đô thị động lực - cực tăng trưởng cấp quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tạo sự lan tỏa cho cả nước. Đó cũng là con đường “tăng trưởng xanh và bền vững” trong quá trình đô thị hoá đất nước.
Thay mặt Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, xin kính chúc các đồng chí đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thắng lợi,
Chúc Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn !
 
 
Nguồn: Tinhuytthue.vn

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Liên kết website
Sở, ban ngành
Trung tâm Y tế Huyện/Thị xã/Thành Phố
Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế
Các đơn vị chuyên ngành phục hồi chức năng
Các tổ chức khuyết tật
Thống kê truy cập
Truy cập tổng: 7.460.864
Truy cập hiện tại: 2.334