Mực có giá trị dinh dưỡng cao như có nhiều protid, chất béo, đường, khoáng và nhiều loại axít amin. Theo Đông y, thịt cá mực vị mặn, tính hơi ôn, không độc. Thịt cá mực tư âm bổ huyết, dưỡng tâm thông mạch, nhập can bổ huyết, nhập thận tư thủy, cường chí. Công hiệu kiện tỳ, lợi tiểu, cầm máu, chỉ đới, ôn kinh. Chữa thổ huyết, phù thũng, thấp đau mỏi tê liệt, cước khí, trĩ, phụ nữ bế kinh.
Một số món ăn bài - thuốc có cá mực:
Bổ khí huyết: mực tươi 600g, tỏi băm 100g, tiêu đen giã dập, nước tương, đường đều 1 thìa cà phê, rau mùi. Xào tỏi rồi cho mực vào. Sau đó cho gia vị, đun cho mực trắng ra. Rắc mùi, ăn nóng.
Thấp khớp: cá mực khô 2 con ngâm vào rượu tốt 250ml. Nấu nhừ mực. Ăn cái uống nước, chia 2 lần trong ngày. Ăn liền vài ba ngày. Kỵ đối với người bị các bệnh gan, thận, tim (vì có rượu). Nếu có đau lưng: 2 con mực nấu với 30g đỗ trọng. Ăn mực uống nước.
Viêm gan mạn tính gây phù thũng, bụng báng: mực tươi 1 con, vỏ bí đao 500g, đậu đỏ nhỏ hạt (xích tiểu đậu) 100g. Gia vị hành, gừng, rất ít muối hoặc không. Nấu canh ăn liền 3-5 ngày.
Bổ thận tráng dương: 3 con cá mực tươi làm sạch (bỏ mai, bỏ ruột…). Hạt sen 30g (ngâm nở bỏ tâm) giã nát; hoài sơn 300g, nấu chín, giã nhuyễn; tôm nõn 100g; chân giò hun khói 200g thái nhỏ. Tất cả (trừ mực) trộn đều với muối gia vị (vừa ăn) rồi nhồi vào khoang mực buộc lại. Xào 200g hành thái lát cho thơm, nêm gia vị vừa dùng.
Mực đã nhồi được rán, một lúc cho rượu, xì dầu và lượng nước vừa phải. Cuối cùng cho hành đã xào và gia vị đảo đều là được. Chia ăn mấy lần trong ngày.
Lưu ý: Thịt mực thuộc chất bổ động phong nên những người hay bị dị ứng (chàm, ngứa nổi mẩn, ban sởi) không nên ăn hoặc phải thận trọng; không ăn gan mực.
BS. Phó Thuần Hương