Mở đầu cuộc họp, TS Nguyễn Nam Hùng – Giám đốc Sở Y tế cho biết hiện nay trên 85% bệnh nhân của tỉnh khám và điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Mối đơn vị của tuyến Trung ương và địa phương đã có những liên kết, phối hợp và hỗ trợ về chuyện môn nhưng đôi lúc chưa tốt. Một trong những nguyên nhân xuất hiện những khó khăn và bất cập trên, đó là do giữa các bên liên quan chưa có quy chế phối hợp cụ thể. Tại cuộc họp, TS Nguyễn Nam Hùng đề nghị cần bàn cụ thể về hỗ trợ chuyên môn của tuyến Trung ương cho các địa phương, thống nhất công tác chuyển tuyến, cơ chế phối hợp vận chuyển cấp cứu 115 của ngành với Khoa cấp cứu và các khoa liên quan trong các tình huống thảm họa, tai nạn hàng loạt và các sự cố. Giám đốc cũng đề nghị nghiên cứu phương thức phối hợp giữa các Bệnh viện chuyên khoa với các khoa bệnh viện Trung ương Huế, giữa các hoạt động liên quan đến lĩnh vực dự phòng như tình hình dịch bệnh, công tác tiêm chủng, đặc biệt tiêm vắc xin viêm gan siêu vi trong 24 giờ đầu cũng như công tác quản lý dược.
Tại cuộc họp, PGSTS Phạm Như Hiệp – Giám đốc và PGSTS Nguyễn Duy Thăng - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế khẳng định để thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế cũng như của lãnh đạo tỉnh xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của miền Trung và cả nước cần thực hiện thế chân vạt, trong đó Bệnh viên Trung ương Huế là hạt nhân, Đại học Y Dược Huế là trung tâm đào tạo song song với phát triển y tế địa phương không những trong điều trị mà còn thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Sự phát triển của tuyến trung ương cùng với sự phát triển y tế địa phương sẽ góp phần làm cho nền y tế tỉnh nhà phát triển vững chắc hơn. Vì vậy, Bệnh viện Trung ương Huế có trách nhiệm giúp đỡ và tạo điều kiện cho y tế địa phương vì mục tiêu tối thượng vì sự an toàn và sinh mệnh bệnh nhân.
Cuộc họp cũng được nghe ý kiến nêu lên những khó khăn và đề xuất từ các Trung tâm y tế như: trong chuyển giao kỹ thuật cần có cơ chế phối hợp trực tiếp với các khoa phòng Bệnh viện TW, nên có số điện thoại cố định để liên lạc nhờ hỗ trợ; cần có quy định cụ thể trong hỗ trợ truyền máu, cũng như ưu tiên cho các cán bộ y tế nhận máu phải nhanh để điều trị kịp thời; cần hỗ trợ chế độ ăn cho đồng bào dân tộc thiểu số khi điều trị nội trú tại bệnh viện. Đặc biệt, bệnh viện nên có thông tin phản hồi của người bệnh để các bệnh viện tuyến dưới có thể theo dõi, học tập và rút kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị. Cuộc họp cũng nghe ý kiến chia sẻ của Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115, phòng Nghiệp vụ Dược.
PGSTS Phạm Như Hiệp – GĐ BVTW kết luận, trong thời gian tới sẽ chỉ đạo tăng cường huấn luyện kỹ thuật cho các đơn vị khó khăn về chuyên môn, chuyển giao nếu có phân tuyến kỹ thuật, phản hồi các sự cố y khoa cho giám đốc các bệnh viện để rút kinh nghiệm, tổ chức và hướng dẫn cách lập dự trù và lưu trữ máu tại các bệnh viện. Đặc biệt, Bệnh viện TW Huế sẽ thành lập Trung tâm kiểm chuẩn để có thể sử dụng các kết quả xét nghiệm của các đơn vị, góp phần tránh phiền hà cho bệnh nhân và giảm chi phí xét nghiệm chồng chéo, tốn kém cho bệnh nhân và xã hội.
Kết thúc cuộc họp, TS Nguyễn Nam Hùng - Giám đốc Sở Y tế đề nghị:
- Các bộ phân liên quan cần nhanh chóng xây dựng dự thảo quy chế phối hợp và tổ chức giao ban định kỳ quý/một lần. Sau hội nghị giao ban Bệnh viện TW tổ chức báo cáo những chủ đề chuyên môn.
-Việc phát triển kỹ thuật và trang thiết bị cần xây dựng đề án chuyển giao kỹ thuật cụ thể.
- Bệnh viện TW Huế cơ sở 2 nên thực hiện nhanh việc xếp hạng bệnh viện hạng 1, tuyến 2.
- Công tác chuyển tuyến cần có sự điều chỉnh phù hợp để thuận lợi cho bệnh nhân.
- Các đơn vị khám chữa bệnh cần xây dựng nhu cầu hỗ trợ sớm và phòng Nghiệp vụ y tổng hợp để Bệnh viện Trung ương Huế có kế hoạch hỗ trợ toàn diện.
- Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 cần xây dựng quy chế phối hợp mang tính toàn diện như thông tin liên lạc, chuẩn bị đón tiếp bệnh nhân khi chuyển bệnh…
- Cuối cùng, cần quan tâm đến quy chế phát ngôn một cách khôn khéo, theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.
Cuộc họp đã mang lại kết quả cao, đề cập toàn diện về việc điều phối, cơ chế phối hợp, chuyển tuyến và giải quyết thỏa đáng những khó khăn, vướng mắc với mục đích nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân ngày càng tốt hơn.
-