Điểm báo điện tử ngày 14/10/2015
Ngày cập nhật 16/10/2015

Hà Nội chi thêm 14 tỉ đồng để khống chế dịch sốt xuất huyết

Theo Sở Y tế Hà Nội, trước dịch sốt xuất huyết (SXH) tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, TP.Hà Nội tiếp tục chi thêm 14 tỉ đồng để tập trung khống chế dịch sốt xuất huyết trong 3 tháng cuối năm 2015.

Với nguồn kinh phí bổ sung này, thành phố sẽ tiếp tục trang bị bổ sung máy móc, hóa chất, thường xuyên phát động các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diện rộng tại vùng có dịch và các vùng có nguy cơ cao...

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 9 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn thành phố có 3.471 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố, trong đó 7 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo và 1 trường hợp sốt xuất huyết nặng tại Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, chưa có trường hợp tử vong. Thống kê cho thấy các ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội hiện tại chủ yếu là týp D1 và D2.

Trong 3 tháng cuối năm 2015, thành phố Hà Nội liên tục triển khai đồng bộ các hoạt động tăng cường phòng chống sốt xuất huyết Dengue, nhằm mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh sốt xuất huyết trong những tháng cao điểm hiện nay.

http://laodong.com.vn/suc-khoe/ha-noi-chi-them-14-ti-dong-de-khong-che-dich-sot-xuat-huyet-386607.bld

 

Vì sao kiến ba khoang gây sưng húp mắt, nổi hạch bẹn?

Theo các chuyên gia, nếu tay bị dính chất độc khi đập kiến, việc dùng tay chà xát, sờ vào mắt có thể làm bỏng mắt và làm sưng húp cả hai mắt, còn nếu dính ở vùng bẹn có thể nổi hạch bẹn sưng đau khó đi lại.

Trước tình trạng kiến ba khoang xuất hiện và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân ở nhiều địa phương, Bộ Y tế đã có khuyến cáo giúp phòng tránh những tác hại từ loài côn trùng này.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), ở Việt Nam, trong những năm gần đây kiến ba khoang thường xuất hiện ở các khu dân cư: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh… nơi gần với cánh đồng lúa. Loài này thường xuất hiện vào mùa thu, thời gian vào dịp thu hoạch vụ mùa lúa, với mật độ nhiều hơn so với các tháng trong năm. Đặc biệt từ tháng 9 đến 10/2015 nhiều vụ kiến ba khoang xâm nhập nơi ở của người dân.

Điển hình như năm 2011, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, kiến ba khoang đã xâm nhập gây hoang mang cho bệnh nhân và cán bộ bệnh viện, qua nhiều lần xử lý của các cá nhân đơn vị kinh doanh dịch vụ diệt côn trùng nhưng không đạt kết quả, sau đó Viện Sốt rét ký sinh trùng, côn trùng TP. HCM xử lý mới có kết quả.

Hay gần đây nhất là ngày 9/10/2015, các hộ dân ngụ ở tòa chung cư N03, khu tái định cư Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy, Hà Nội phản ánh tình trạng kiến ba khoang vào nhà thường xuyên có hộ dân mỗi tối bắt và diệt từ 10 - 20 con kiến…

Theo các chuyên gia, loài côn trùng này không đốt hay cắn nhưng do trong dịch cơ thể của chúng có chứa pederin - một loại chất độc gây rộp, phỏng da, viêm da. Khi da người tiếp xúc vào chất tiết của chúng qua những vật dụng nào đó hoặc vô ý đập làm cho chúng chết trên da thì chất độc theo dịch cơ thể chúng tiết ra ngoài, dính vào da người, gây bệnh ngay tại vùng da đó... Khi dính vào da tay, nếu không rửa sạch tay ngay thì vô tình sẽ làm chất độc dính vào chỗ khác trên cơ thể gây viêm da lan toả.

Biểu hiện viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang thường xuất hiện ở những vùng da hở như: cổ, mặt, lưng, tay, chân,... Kiến có thể gây viêm da từ mức độ nhẹ đến nặng, tùy theo độc chất xâm nhập qua da. Ban đầu người bệnh thấy hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da, sau 6 - 12 giờ, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều 1 - 5mm, 1 đến 3 ngày sau thành phỏng nước, phỏng mủ.

Ngoài biểu hiện viêm da, nạn nhân có thể kèm theo sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương. Nếu tay bị dính chất độc khi đập kiến, chà xát và sờ vào mắt có thể làm bỏng mắt. Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả hai mắt, ở bẹn có thể nổi hạch bẹn sưng đau khó đi lại. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng viêm da sẽ tiến triển sang dạng loét. Các vết loét có nhiều hình dạng khác nhau tùy theo động tác khi ta đập, giết và chà xát kiến trên da. Cũng có ít trường hợp chỉ nổi vết đỏ, lấm tấm mụn nước nhỏ hơi ngứa, lặn sau 3 - 5 ngày.

Để xử lý triệt để, tránh tình trạng kiến ba khoang lan tràn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, khi có đàn kiến ba khoang xuất hiện ở khu dân cư, bà con nên liên hệ ngay với đơn vị y tế chuyên trách (các Viện Sốt rét ký sinh trùng và côn trùng, các Trung tâm Y tế dự phòng huyện/thị...) để hướng dẫn và phối hợp xử lý.

http://khampha.vn/suc-khoe/vi-sao-kien-ba-khoang-gay-sung-hup-mat-noi-hach-ben-c11a363109.html

 

Đại dịch kiến ba khoang: Nỗi lo không ngủ của người dân nhiều tỉnh thành

Bộ Y tế cho biết, trong những ngày gần đây, kiến ba khoang xuất hiện tại nhiều tỉnh thành khiến người dân lo lắng.

Tin tức từ VietQ, theo Bộ Y tế, kiến ba khoang thường xuất hiện vào mùa thu với mật độ nhiều hơn so với các tháng trong năm. Đặc biệt từ tháng 9 đến 10/2015 nhiều vụ kiến ba khoang xâm nhập nơi ở của người dân.

Tại Hà Nội, ngày 9/10, tại chung cư N03, khu tái định cư Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy, Hà Nội, kiến ba khoang vào nhà thường xuyên trong những ngày gần đây. Có hộ dân mỗi tối bắt và diệt từ 10 - 20 con kiến.

Số bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện (BV) Da liễu Hà Nội do kiến ba khoang cắn tăng trong những ngày gần đây, có cả người lớn và trẻ nhỏ. “Đã có những bệnh nhân tự bôi thuốc điều trị nhưng không khỏi mới đến BV khám trong tình trạng bội nhiễm, viêm da. Chất tiết của kiến ba khoang khi tiếp xúc với da người sẽ gây bỏng, rát, tổn thương bề mặt da khiến vi khuẩn dễ xâm nhập cũng là nguyên nhân gây viêm da”, bác sĩ Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc BV Da liễu Hà Nội, cho biết.

Trong khi đó, tại TP.HCM, đến nay tại Đại học Quốc gia TP.HCM (P. Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM), có 294 sinh viên bị bỏng da  ba khoang.  Từ đầu tháng 9 đến đầu tháng 10/2015 đã có 630 lượt các phòng trong KTX phát hiện loại kiến này.

Tại Vĩnh Long, nhiều ngày qua, tại BV Đa khoa TP.Vĩnh Long, kiến ba khoang xâm nhập, gây tổn thương da bệnh nhân và người nhà. Kiến ba khoang xuất hiện rất nhiều trong bệnh viện và hầu như khoa phòng nào cũng có.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Châu (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư) cho hay, kiến ba khoang có chứa độc tố. Khi thân kiến bị dập, độc tố trong cơ thể kiến dính lên da sẽ gây phồng rát và viêm da. Loài kiến này có chứa chất pederine, độc gấp 12 lần nọc độc rắn hổ mang, có thể gây cháy, bỏng da giống như chất phospho ở con giời leo.

PGS-TS Nguyễn Văn Châu lưu ý, vào mùa mưa, ban đêm kiến ba khoang theo ánh đèn bay vào nhà, khi người dân vô tình đưa tay quệt, đập sẽ khiến chất pederine dính lên da gây viêm da, bỏng da. Ban đầu bệnh nhân thấy hơi ngứa rát, sau 6 - 12 giờ tạo thành một đám phù nề, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ, vài ngày sau chuyển thành phỏng nước, phỏng mủ, cảm giác đau, rát càng tăng. Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả 2 mắt. Cần tránh phản xạ quệt tay khi có cảm giác kiến ba khoang rơi vào cổ, mặt.

Trao đổi về vấn đề này với Dân Việt, TS. Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Nghiên cứu côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, thời điểm này (mùa thu), kiến ba khoang xuất hiện, phát triển nhiều . Hơn nữa kiến ba khoang đang vào mùa sinh sản do thời tiết ẩm ướt.

Hiện nay, ở các thành phố hầu hết đều dùng đèn nê-ông nên loại côn trùng này xuất hiện ngày càng nhiều và lan rộng nhanh.

Cũng theo TS. Trương Xuân Lam, thực chất kiến ba khoang xuất hiện rất lâu nhưng vì nó quá quen thuộc nên không ai nghĩ là loại côn trùng gây hại. Tuy nhiên, những loại thuốc diệt côn trùng thông thường không có tác dụng.

Lý giải các khu chung cư, tập thể xuất hiện kiến ba khoang nhiều hơn các khu khác, TS Lam cho rằng, ở những khu đó đều ở gần cánh đồng mà kiến ba khoang bắt mồi ăn thịt, thức ăn chính của chúng là sâu bọ. Khi nguồn thức ăn này phong phú (người dân phun hóa chất bừa bãi, nên sâu bọ kháng thuốc rất nhiều, vì thế số lượng kiến ba khoang được “cung cấp” nhiều thức ăn nên số lượng cũng nhiều lên.

Trước tình trạng kiến ba khoang đang tấn công tại nhiều khu dân cư, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, nếu kiến ba khoang xuất hiện nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang.

Ngoài ra, người dân có thể ngăn cản kiến ba khoang vào nhà bằng cách: Sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào; Nên ngủ trong màn; Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà, vì đây là nơi trú ẩn tốt cho loài này; Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài nhà, nhất là ở những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình đang xây dựng.

Nếu đã tiếp xúc với kiến ba khoang, người dân nên thực hiện một số bước sau: Nếu có một con kiến ba khoang đang bò trên người, hãy lấy nó ra khỏi người bằng cách thổi hoặc để một tờ giấy vào cho nó bò lên và lấy nó ra khỏi người. Sau đó rửa sạch vùng da đã tiếp xúc với loài côn trùng này. Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát chúng trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi nơi tiếp xúc để hạn chế chất độc.  Đến cơ sở y tế để báo và thăm khám, điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Bộ Y tế cũng lưu ý, để xử lý triệt để, tránh tình trạng kiến ba khoang lan tràn, ảnh hưởng lớn đếnsức khỏe cộng đồng, khi có đàn kiến ba khoang xuất  hiện, người dân nên liên hệ ngay với đơn vị y tế chuyên trách (Viện Sốt rét – KST – CT, các Trung tâm YTDP huyện/thị...) để hướng dẫn xử lý.

http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/dai-dich-kien-ba-khoang-noi-lo-khong-ngu-cua-nguoi-dan-a114752.html

 

Hoa Kỳ sắp tiến hành thử nghiệm

vaccine chống HIV trên cơ thể người

Trước đây, loại vaccine này đã từng được thử nghiệm với HIV trên khỉ và kết quả thu được là khá tốt đẹp.

Sau 15 năm phát triển, vaccine chống lại HIV sắp được Robert Gallo, người chứng minh HIV là nguyên nhân của căn bệnh thế kỷ AIDS vào năm 1984, tiến hành thử nghiệm trên 60 tình nguyện viên trong giai đoạn đầu tiên của cuộc kiểm tra có tính lịch sử này.

Trước đây, loại vaccine này đã từng được thử nghiệm với HIV trên khỉ và kết quả thu được là khá tốt đẹp. Giáo sư Gallo và các đồng nghiệp tại Viện nhân chủng và vi sinh Hoa Kỳ cho biết họ có thể tạo ra một bước ngoặt trong cuộc chống lại căn bệnh AIDS với việc phát hiện HIV trở nên yếu nhất ở lớp màng bên ngoài, bao gồm các phân tử glycoprotein với trọng lượng phân tử 120 kilodanton (KD) được ký hiệu là gp120, khi virus gắn với tế bào lympho T của cơ thể con người.

Khi HIV lây nhiễm một bệnh nhân, đầu tiên, nó liên kết với các thụ thể CD4 trên tế bào bạch cầu. Sau đó, nó sẽ chuyển tiếp, để lộ phần ẩn của vỏ virus của mình với mục đích cho phép nó bám vào vào thụ thể thứ hai gọi là CCR5. Một khi HIV được gắn vào các thụ thể này của tế bào lympho T, nó có thể lây nhiễm sang các tế bào miễn dịch. Lúc ấy, mọi nỗ lực ngăn chặn đã là quá muộn.

Nguyên mẫu loại thuốc mới với tên gọi eCD4-Ig cấu tạo gồm 2 thành phần mô phỏng cơ quan thụ cảm hay điểm neo đậu, nơi virus HIV bám vào các tế bào CD4 - hàng phòng thủ then chốt của các tế bào miễn dịch. Các thành phần giả lập tóm dính virus HIV, lừa nó vội vã tiến hành quá trình neo đậu. Virus chỉ có thể thực hiện quá trình này một lần, nên các thành phần giả lập của thuốc đã ngăn cản nó không thể bám dính các tế bào CD4 được nữa. Các nhà khoa học ví hiệu ứng này như việc đóng chặt cửa ngăn kẻ xâm nhập và vứt chìa khóa cửa đi.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm kéo dài 40 tuần, với kết quả cho thấy, những con vật được chủng ngừa bằng eCD4-Ig vẫn sống sót ngay cả sau 4 lần được tiêm liều virus đủ để khiến chúng phát bệnh. Nghiên cứu sâu thêm còn phát hiện, các con khỉ đuôi ngắn "tiếp tục được bảo vệ sau 8 và 16 lần tiêm nhiễm liều virus lây nhiễm, hơn một năm sau khi chủng ngừa bằng eCD4-Ig".

Việc tìm kiếm vắc-xin phòng HIV là một trong những vấn đề quan trọng trong cuộc chiến chống AIDS của thế giới. Kể từ năm 1981, đã có khoảng 78 triệu người bị nhiễm HIV, loại virus phá hủy các tế bào miễn dịch và khiến cơ thể dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn, viêm phổi và những bệnh cơ hội khác. Khoảng 39 triệu người trong số đó đã tử vong, theo thống kê của Liên hợp quốc.

Các thuốc kháng retrovirus (ARV) được phát minh vào giữa những năm 1990 có thể điều trị việc nhiễm trùng, nhưng không thể chữa được bệnh AIDS hay phòng ngừa được việc nhiễm virus HIV. Việc điều trị nhiễm HIV hiện kéo dài cả đời và chứa đựng nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Đối với nhiều hệ thống y tế trên khắp toàn cầu, chi phí mua thuốc ARV cho người dân ngày càng tăng lên và trở thành một gánh nặng lớn đối với ngân sách quốc gia.

http://genk.vn/kham-pha/hoa-ky-sap-tien-hanh-thu-nghiem-vaccine-chong-hiv-tren-co-the-nguoi-20151013110715497.chn

 

Người mắc bệnh sốt xuất huyết nên ăn gì?

Khi bị mắc bệnh sốt xuất huyết, sức đề kháng của cơ thể  và năng lượng bị suy giảm nhiều... Do vậy, ăn uống đúng cách, đúng thực phẩm sẽ giúp người bệnh mau khỏe và nhanh lành bệnh.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia của Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương - Bộ Y tế, chế độ dinh dưỡng, ăn uống cho người bệnh sốt xuất huyết đặc biệt quan trọng và cần lưu ý.

Uống thật nhiều nước

Khi sốt, bệnh nhân dễ bị mất nước, cùng với triệu chứng mệt mỏi, kém ăn, kém uống lại càng gây mất nước thêm. Vì vậy, điều tối quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết là cần cho bệnh nhân uống thật nhiều nước (mỗi lần vài ngụm, uống liên tục trong ngày). Lượng nước dùng đối với trẻ dưới 5 tuổi khoảng 500-1.500 ml/ngày, trẻ trên 5 tuổi khoảng 2.000-2.500 ml/ngày.

Tất cả các loại nước suối, nước sôi để nguội, nước cam, nước dừa, nước chanh, nước ép trái cây đều dùng được.

Không ăn thực phẩm sẫm màu

Do “đặc thù” của bệnh sốt xuất huyết là rất dễ xảy ra tình trạng xuất huyết (chảy máu) nên bạn cần tránh, không để bệnh nhân ăn hoặc uống bất kỳ loại thực phẩm nào có màu đỏ, nâu, đen trong suốt giai đoạn theo dõi bệnh. Mục đích là để không bị nhầm lẫn, có thể nhận biết dễ dàng bệnh nhân có bị chảy máu dạ dày trong quá trình nôn ói hay không. Những thực phẩm có màu sẫm như nước xá xị, nước trái cây sẫm màu, nước coca, canh củ dền, dưa hấu… khi uống vào, nếu bệnh nhân bị nôn ói hoặc có xảy ra tình trạng xuất huyết dạ dày sẽ khó xác định được.

Ăn thức ăn lỏng

Cơ thể sốt rất mệt mỏi, nên cần ưu tiên tối đa trong lúc này những thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp. Tránh ăn những thức ăn quá nhiều dầu mỡ sẽ đầy bụng khó tiêu. Cũng cần lưu ý là bệnh nhân không cần kiêng cữ quá mức mà cần ăn thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Ví dụ như cháo cá, cháo thịt băm nấu cùng với một ít rau củ quả các loại. Cho ăn từng ít một, nhiều bữa trong ngày để tránh tình trạng nôn ói.

Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ

Hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu của bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, bác sĩ có thể sẽ cho thuốc hạ sốt, một ít thuốc bổ… để bệnh nhân uống. Cần theo đúng đơn và tuân thủ chặt chẽ mọi hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, không được thấy trẻ sốt thì tự ý mua thuốc hạ sốt, vì một số loại thuốc hạ sốt có khả năng ảnh hưởng xấu đến dạ dày, làm tăng nguy cơ chảy máu. Thuốc dùng an toàn là Paracetamol, sử dụng liều lượng theo hướng dẫn, ngày dùng khoảng 4 lần khi bệnh nhân có sốt.

Lau mát thường xuyên

Với sốt xuất huyết, bệnh nhân có thể sốt cao lên đến 39-40 độ C. Song song với việc sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, cần thường xuyên lau mát cho bệnh nhân để giúp giảm nhiệt độ cơ thể.

Lưu ý: Cách lau mát đúng là dùng khăn sạch, nhúng vào nước ấm vừa phải, sau đó vắt khô lau trán, mặt, tay chân, các vùng nách, bẹn… Không được dùng nước đá, nước lạnh để lau vì càng khiến cơ thể bị sốc nhiệt, sốt cao hơn.

Tái khám hàng ngày

Do tình trạng quá tải, một số trường hợp sốt xuất huyết nhẹ có thể được cho điều trị ngoại trú (không nằm viện) với yêu cầu tái khám hàng ngày, có khi tái khám nhiều lần trong ngày. Bạn cần tuân thủ theo đúng những điều này, không được tự ý ngừng tái khám dù thấy bệnh tình của bé không trầm trọng hoặc bé hết sốt. Vì nếu không theo dõi sát sao, có những trường hợp bệnh sẽ trở nặng dù hết sốt.

Đặc biệt lưu ý các dấu hiệu sau để đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay: lừ đừ, li bì, bứt rứt, ói nhiều, đau bụng nhiều, xuất huyết, tay chân lạnh

Thực phẩm cần tránh

Tránh ăn những thức ăn quá nhiều dầu mỡ sẽ khiến bạn bị đầy bụng khó tiêu.

Tránh không để bệnh nhân ăn hoặc uống bất kỳ loại thực phẩm nào có màu đỏ, nâu, đen trong suốt giai đoạn theo dõi bệnh. Mục đích của việc này là để không bị nhầm lẫn dấu hiệu xuất huyết khi người bệnh bị nôn ói có màu xám, thâm đen bất thường sẽ khó phân biệt được đó có phải là do xuất huyết tiêu hóa không hay là màu thực phẩm?

Kiêng ăn những đồ ăn cay vì nó sẽ khiến tình trạng bệnh thêm nặng. Những đồ ăn cay như gừng, ớt, mù tạt... sẽ sản xuất rất nhiều nhiệt trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự hồi phục của bệnh nhân bị sốt.

Tránh xa các loại nước nhiều đường, giảm lượng caffeine, tránh uống rượu và ngừng hút thuốc khi bị sốt xuất huyết.

Bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ lâu khỏi nếu ăn trứng. Sau khi ăn sẽ tạo ra một nhiệt lượng lớn. Những người bị sốt, nhất là trẻ em ăn trứng gà sẽ làm cho nhiệt lượng cơ thể tăng lên không phát tán ra ngoài được, do vậy sốt càng cao và rất lâu khỏi.

http://laodongthudo.vn/nguoi-mac-benh-sot-xuat-huyet-nen-an-gi-27412.html

 

Không chữa bệnh bằng biện pháp "lạ"

-  Ban giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội) đã có công văn gửi đến cơ quan công an đề nghị điều tra, xử lý người phụ nữ ngồi trước cổng bệnh viện tự phong thánh để chữa bệnh.

Ngày 13-10, ông Bùi Công Toàn, phó giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết về trường hợp một phụ nữ tự phong thánh ngồi tại cổng bệnh viện “chữa bệnh” bằng cách kỳ lạ như hôn trán, sờ vùng kín... thu hút nhiều người hiếu kỳ đến xem, bệnh viện đã có công văn gửi đến cơ quan công an đề nghị điều tra, xử lý. 

Ông Toàn cho biết người phụ nữ này ngồi ở cổng viện từ ngày 3-10 nhưng không thể can thiệp vì không thuộc chức năng của bệnh viện.

Qua đây, ông Toàn khuyến cáo người bệnh ung thư phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, không tin vào những phương pháp chữa bệnh không có cơ sở khoa học.

Sáng 13-10, ở cổng Bệnh viện K, người phụ nữ này không còn ngồi ở đây.

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20151014/khong-chua-benh-bang-bien-phap-la/984760.html

 

Cách hạn chế da khô, nứt nẻ trong mùa hanh

Về mùa hè, những người da khô thường hài lòng về làn da của mình vì không bị bóng nhờn, đổ mồ hôi mỗi khi đi trời nóng và mụn trứng cá không xuất hiện.

Về mùa hè, những người da khô thường hài lòng về làn da của mình vì không bị bóng nhờn, đổ mồ hôi mỗi khi đi trời nóng và mụn trứng cá không xuất hiện. Tuy nhiên, khi về mùa đông thì họ lại gặp rắc rối vì làn da trở nên thô ráp, nứt nẻ, thậm chí còn chảy máu gây khó chịu, làm ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày.

Da bị khô, bị nứt nẻ và thô ráp về mùa đông do thiếu chất nhờn làm mềm và ẩm da. Một nhược điểm nữa của da khô là dễ bị lão hoá. Biết được ưu và nhược điểm của loại da này, bạn sẽ thấy thật dễ dàng khi chăm sóc loại da vô cùng nhạy cảm này. Khi chăm sóc da khô, nhất là vào mùa lạnh, điều quan trọng đầu tiên là phải bổ sung cho da một lượng acid béo. Acid béo không chỉ dưỡng ẩm cho làn da mà còn đóng vai trò quan trọng để duy trì một làn da khỏe mạnh cũng như đảm bảo hệ thần kinh của cơ thể hoạt động nhịp nhàng. Chính vì thế, những người da khô nên ăn nhiều cá và các loại hạt, vì đây là nguồn cung cấp acid béo dồi dào. Nếu da bạn khô, hãy uống nhiều nước, khoảng 2 lít mỗi ngày để da ẩm hơn và hạn chế dùng các thực phẩm cay, nóng và có tính kích thích vì các chất này sẽ càng làm da khô hơn.

Dinh dưỡng giúp cải thiện làn da

Những người da khô nên ăn uống đủ dưỡng chất, đặc biệt chú ý việc bổ sung các loại vitamin và chất khoáng như vitamin A, B, C, E, kẽm. Các vi chất này sẽ giúp da mềm mại và tươi sáng hơn. Không những thế, việc bổ sung vitamin và khoáng chất nói trên còn kích thích các cơ quan trong cơ thể hoạt động tốt hơn, hỗ trợ cho làn da nhiều hơn. Chẳng hạn: Vitamin A mang đến sự nuột nà cho làn da, chống khô da. Cần bổ sung vitamin A trong bữa ăn để tránh những chứng bệnh liên quan đến khô da.

Vitamin nhóm B kích thích tuần hoàn máu và mang đến sức sống cho làn da. Vitamin B6 giúp da mạnh khoẻ hơn và phòng chống các bệnh ngoài da. Vitamin B12 không thể thiếu trong quá trình sản sinh tế bào da và tăng cường tuổi thọ cho làn da. Vitamin C cần thiết cho quá trình sản xuất collagen và giúp tăng cường các mao mạch dưới da. Còn vitamin E thì giúp da không bị khô và mẩn ngứa, chống lại những chất độc hại và giảm thiểu tình trạng lão hóa làn da. Vitamin E có tác dụng giúp cho tế bào phát triển bình thường, chống lão hóa, bảo vệ mô khỏi quá trình oxy hóa, giúp tạo hồng cầu, giúp phổi và các cơ quan khác không bị ô nhiễm, ngăn ngừa sự phá hủy hồng cầu bởi các chất độc trong máu, làm chậm quá trình lão hóa ở tế bào, làm giảm bớt sự sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi. Vitamin E còn cho da không bị khô, duy trì sự tươi mới của làn da, giúp ngăn ngừa sự xuất hiện các nếp nhăn. Chính nhờ những tác dụng này mà vitamin E đã được bổ sung vào hầu hết các kem dưỡng da, giữ ẩm. Vitamin D cần thiết cho sự tăng trưởng của xương, răng, móng tay cũng như sự lành mạnh của da và mắt. Vitamin D có nhiều trong sữa, gan, bì, cá, mầm ngũ cốc.

Trong các vitamin và khoáng chất cần thiết cho da thì kẽm đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với những người da khô. Nếu thiếu kẽm sẽ dễ dẫn đến mắc bệnh viêm da. Kẽm giúp tăng cường hệ thống miễn dịch cơ thể và chữa lành các vết thương. Đặc biệt, nếu da thiếu collagen - thành phần chính cấu tạo nên da thì da có biểu hiện lão hoá, khô ráp, vì thế, hãy bổ sung bằng cách bôi trực tiếp collagen lên vùng da cần chăm sóc sẽ giúp da sáng mịn vào mùa hanh khô.

Rau quả tươi như cam, chanh, bưởi, chuối, nho, giá đỗ, rau xanh, cà chua, cà rốt... rất giàu các vitamin và khoáng chất trên.

Chăm sóc da

Bên cạnh việc ăn uống đủ chất, những người da khô nên chú ý chăm sóc da theo hướng dẫn sau: Rửa mặt với sữa rửa loại dịu. Tránh sử dụng xà bông có thành phần tẩy rửa mạnh bởi những chất dầu trên da sẽ bị cuốn trôi. Một trong những tác nhân gây da khô hơn là bạn sử dụng nước quá nóng để tắm hoặc rửa mặt, điều này khiến làn da của bạn bị mất đi dưỡng chất vốn có, trở nên mất cân bằng độ ẩm và khô ráp. Vì vậy, cần đảm bảo nhiệt độ của nước tắm ở mức nhiệt ấm vừa đủ và cũng nên rút ngắn thời gian tắm, ngâm bồn cũng là cách hữu hiệu bảo vệ làn da. Bên cạnh đó, luôn dùng kem dưỡng da có độ dưỡng ẩm cao cả ngày và đêm. Thành phần của kem dưỡng nên có AHA và vitamin C. AHA (được chiết xuất từ sữa, trái cây hay mía đường) giúp lấy đi lớp da bong tróc, nuôi dưỡng phần da tươi mới và tăng độ sáng cho da. Vitamin C làm chậm lại quá trình hình thành nếp nhăn. Một tuần hai lần hãy đắp mặt bằng các loại hoa quả tươi có trộn thêm mật ong hoặc dầu oliu, bột hạnh nhân. Mật ong và dầu oliu, bột hạnh nhân là chất làm mềm da rất tốt nên sẽ nhanh chóng đưa da bạn trở lại trạng thái mềm mại.

http://suckhoedoisong.vn/lam-dep/cach-han-che-da-kho-nut-ne-trong-mua-hanh-20150129214703741.htm

 

Hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

Do phổi chưa trưởng thành, thiếu hoạt chất tạo tính bề mặt đưa đến giảm diện tích bề mặt phế nang dành cho việc trao đổi khí gây suy hô hấp.

Nguyên nhân gây suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

Ở phổi người bình thường, bên trong phế nang có chứa một chất surfactant - là chất giảm hoạt bề mặt có tác dụng duy trì tính ổn định của phế nang, giúp cho các phế nang không bị xẹp. Chất giảm hoạt bề mặt ở phổi của bào thai xuất hiện tương đối vào tuần thứ 20. Nó phủ vách trong của phế nang và có trong nước ối vào tuần thứ 28-36.

Ở trẻ sinh non khi phổi chưa thực sự trưởng thành chất giảm hoạt bề mặt sẽ chưa hoàn thiện. Khi thiếu chất này, phế nang sẽ bị xẹp, dẫn đến hiện tượng huyết tương tràn vào phế nang, chất fibrin của huyết tương lắng đọng phía trong của các phế nang và các tiểu phế quản, tạo thành một lớp màng. Màng này cản trở sự lưu thông khí và sự trao đổi ôxy, lúc này CO2 từ phế nang qua các mao mạch dẫn đến suy hô hấp và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Nhận biết

Thông thường, sau khi sinh khoảng vài phút hoặc vài giờ sau khi sinh trẻ xuất hiện hội chứng suy hô hấp nặng mà không tìm thấy các nguyên nhân như: Nhiễm khuẩn, ngạt nước ối, hít phải phân su... với biểu hiện là khó thở nhanh nông, nhịp thở trên 60 lần/phút. Các khoang liên sườn, hõm trên ức, co kéo, cánh mũi phập phồng, toàn thân tím tái. Cho thở ôxy không đỡ...

Nếu nhẹ và điều trị đúng thì sau khoảng 72 giờ các triệu chứng giảm dần và trẻ có thể được cứu sống. Nếu nặng, các dấu hiệu tím tái, khó thở tăng lên, huyết áp hạ, thân nhiệt hạ, trẻ có thể tử vong sau vài giờ. Tuy nhiên đối với trẻ được cứu sống, sau khi khỏi bệnh có thể để lại một số di chứng như thiếu ôxy não, xuất huyết não, hạ đường huyết…

Phòng tránh suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

Để phòng tránh suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, thai phụ phải đảm bảo sức khỏe, có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, lao động phù hợp, khám theo dõi thai đều đặn để hạn chế tối đa tình trạng đẻ non, đẻ con nhẹ cân. Ngoài ra ở các thai phụ có nguy cơ như: Phải mổ lấy thai, thời gian chuyển dạ quá lâu, bị băng huyết, sinh đôi, bị bệnh đái tháo đường, sử dụng chất corticoid kéo dài trong thời gian mang thai, tiền sử gia đình có trẻ bị bệnh màng trong,... cần được các bác sĩ chuyên khoa khám quản lý theo dõi chặt chẽ để phòng bệnh.

http://alobacsi.com/tre-em/hoi-chung-suy-ho-hap-o-tre-so-sinh-a20151014090037738c338.htm

TTTTGDSK tỉnh
Các tin khác
Xem tin theo ngày