Tiến tới loại trừ bệnh sốt rét.
Ngày cập nhật 13/07/2016

   Với những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, hiện nay nước ta đang chuyển chiến lược từ phòng chống sốt rét sang chiến lược vừa phòng chống vừa loại trừ sốt rét theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chiến lược này được thực hiện đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

   Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo những quốc gia nào sau thời gian thực hiện chiến lược phòng chống sốt rét có hiệu quả thì có thể xem xét, đánh giá để chuyển sang chiến lược loại trừ sốt rét. Theo đó, chiến lược loại trừ sốt rét được thực hiện qua 4 giai đoạn gồm: phòng chống sốt rét tích cực, tiền loại trừ sốt rét, loại trừ sốt rét và đề phòng sốt rét quay trở lại.

   Trong giai đoạn phòng chống sốt rét tích cực, nếu tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét trên lam máu xét nghiệm ở những bệnh nhân có sốt dưới 5% thì có thể xem xét để chuyển sang giai đoạn tiền loại trừ sốt rét. Trong giai đoạn tiền loại trừ sốt rét, cần định hướng lại chương trình lần thứ nhất; nếu có dưới 1 ký sinh trùng sốt rét trên 1.000 dân số vùng sốt rét trong một năm thì có thể xem xét để chuyển sang giai đoạn loại trừ sốt rét. Trong giai đoạn loại trừ sốt rét, nếu không phát hiện được trường hợp bệnh sốt rét lây truyền tại địa phương, cần định hướng lại chương trình lần thứ hai và xem xét để chuyển sang giai đoạn đề phòng sốt rét quay trở lại. Trong giai đoạn đề phòng sốt rét quay trở lại, vẫn tiếp tục định hướng lại chương trình lần thứ hai, nếu không phát hiện được trường hợp bệnh sốt rét lây truyền tại địa phương sau 3 năm thì đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới xem xét, đánh giá, thẩm định và cấp giấy chứng nhận đã loại trừ sốt rét.

Sốt rét sẽ được loại trừ ra khỏi cộng đồng vào năm 2030 (ảnh minh họa)

   Có thể nói hiện nay khu vực miền Trung và Tây Nguyên là trọng điểm sốt rét của cả nước, vì vậy giải quyết được sốt rét ở khu vực này là loại trừ được cơ bản tình hình sốt rét của toàn quốc. Các nhà khoa học đã hoạch định kế hoạch phòng chống và loại trừ sốt rét giai đoạn năm 2016 đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên bằng những mục tiêu phấn đấu cụ thể như: Đến năm 2020, phải cắt đứt được sự lan truyền sốt rét do chủng loại ký sinh trùng Plasmodium falciparum ở vùng kháng thuốc, giảm tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét ở vùng sốt rét lan truyền cao xuống dưới 1 trên 1.000 dân số tại vùng sốt rét lưu hành; không còn tỉnh nào còn ở trong giai đoạn phòng chống sốt rét tích cực, 3 tỉnh chuyển sang giai đoạn tiền loại trừ sốt rét, 8 tỉnh ở trong giai đoạn loại trừ sốt rét và 4 tỉnh ở trong giai đoạn đề phòng sốt rét quay trở lại. Đến năm 2030, trên cơ sở ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum đã được loại trừ từ năm 2025, sẽ tiến tới loại trừ sốt rét ở 15 tỉnh thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên vào năm 2030 theo kế hoạch.

   Cụ thể trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2020: phải loại trừ ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum đa kháng thuốc chậm nhất đến cuối năm 2020; 3 tỉnh thực hiện giai đoạn phòng chống sốt rét tích cực gồm Quảng Trị, Quảng Nam, Ninh Thuận; 8 tỉnh thực hiện giai đoạn tiền loại trừ sốt rét gồm Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Thuận, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông; 4 tỉnh thực hiện giai đoạn loại trừ sốt rét gồm Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Đăk Lăk. Thời gian từ năm 2021 đến năm 2025: phải loại trừ ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum chậm nhất đến cuối năm 2025; không còn tỉnh nào có tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét từ 1 trở lên trên 1.000 dân số vùng sốt rét lưu hành; đã cắt đứt được sự lan truyền của ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum; 3 tỉnh ở giai đoạn phòng chống sốt rét tích cực phải chuyển sang giai đoạn tiền loại trừ sốt rét và 8 tỉnh ở giai đoạn tiền loại trừ sốt rét phải chuyển sang giai đoạn loại trừ sốt rét. Cuối cùng trong thời gian từ năm 2026 đến năm 2030; 3 tỉnh còn lại gồm Quảng Trị, Quảng Nam, Ninh Thuận ở giai đoạn tiền loại trừ sốt rét phải chuyển sang giai đoạn loại trừ sốt rét và tiến tới không còn sốt rét ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên vào năm 2030.

   Như vậy còn 14 năm nữa kể từ thời điểm này, miền Trung-Tây Nguyên là khu vực trọng điểm sốt rét của cả nước sẽ cùng với các tỉnh, thành phố của những khu vực khác trên toàn quốc thực hiện chiến lược phòng chống và loại trừ sốt rét ra khỏi cộng đồng theo kế hoạch được xây dựng. Tuy vậy trên thực tế các yếu tố nguy cơ có thể làm cho sốt rét có điều kiện quay trở lại là vấn đề khó khăn, phức tạp, phải luôn được cảnh báo để chủ động phòng ngừa. Hy vọng rằng nước ta sẽ là một trong các quốc gia không còn bệnh sốt rét lưu hành trong thời gian tới để góp phần phát triển kinh tế xã hội ở những vùng có dịch bệnh lưu hành trước đây.

BS. NGUYỄN VÕ HINH
Các tin khác
Xem tin theo ngày