Từ khóa
Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh dại – World Rabies Day (28/9/2017)
Ngày cập nhật 31/08/2017

   Ngày phòng chống bệnh dại thế giới được tổ chức vào ngày 28/9 hằng năm nhằm tưởng nhớ Louis Pasteur, người đã phát minh ra vắc xin dại và dẫn đường cho hoạt động phòng chống bệnh dại, qua đó nhấn mạnh vào tác hại của bệnh dại đối với người và động vật, tuyên truyền cách phòng chống bằng cách ngăn chặn bệnh dại ở động vật và làm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh dại.

   Với chủ đề "Bệnh dại: 0 đến 30" (Rabies: Zero by 30), phán ánh mục tiêu toàn cầu và khuôn khổ để đạt được kế hoạch không có người chết do bệnh dại vào năm 2030.

   

   Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút gây nên. Bệnh lây nhiễm từ động vật (vật nuôi và hoang dã) sang người do tiếp xúc gần với nước bọt thông qua vết cắn hoặc cào của động vật mắc bệnh. Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thời gian gần đây, bệnh dại (nhiều nhất là do bị chó cắn) đang có chiều hướng gia tăng. Đây là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm gây dịch với 27/63 tỉnh, thành phố có bệnh nhân tử vong. Ước tính chi phí tiêm vắcxin và huyết thanh kháng dại cho người dân đã lên đến khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm.

  .Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30-90 ngày. Vết thương càng nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ phát bệnh thường từ 2-4 ngày. Trước đó, bệnh nhân bị đau nhức, sưng tấy tại vết cắn và lan dọc theo hệ thần kinh kèm theo cảm giác bồn chồn, thổn thức... Sau đó, bệnh nhân sẽ bị co cứng, co thắt cơ thực quản và hô hấp, sợ gió, hạ huyết áp, giãn đồng tử, phản ứng cơ thể dữ tợn... Tất cả bệnh nhân khi đã lên cơn dại đều bị tử vong.

   Vì vậy, chúng ta cần phải biết triệu chứng dại của súc vật, biện pháp phòng chống dại. cách xử lý vết thương và tiêm vắc-xin và huyết thanh phòng, chống bệnh dại.

   1. Triệu chứng dại ở súc vật

   Con chó trở nên hung dữ khác thường, nước dãi nhiều, giọng sủa khàn, liệt hàm dưới, liệt chi, toàn thân và chết. Triệu chứng dại của mèo giống của chó nhưng thích lánh vào chỗ tối. Mèo dại rất nguy hiểm.

   2. Biện pháp phòng chống bệnh dại

   Tốt nhất nên hạn chế nuôi chó. Tiêm phòng dại cho chó. Chó nuôi phải xích, nhốt. Chó ra đường phải có rọ mõm.

   Người bị chó, mèo nghi dại cắn phải đi tiêm phòng dại sớm, đầy đủ. Không nên điều trị thuốc nam khi bị chó, mèo dại cắn.

   3. Xử lý vết thương

   Khi bị chó, mèo, động vật hoang dã: Cắn, cào sướt, liếm trên da bị thương cần tiến hành xử trí vết thương theo các bước sau:

   - Rửa sạch vết cắn bằng xà phòng, sát khuẩn và xử lý vết thương, cắt lọc mô dập nát, loại bỏ dị vật, không khâu kín vết thương.

   - Tiêm phòng uốn ván bằng huyết thanh kháng độc tố SAT.

   - Dùng kháng sinh phòng ngừa nhiễm trùng vết cắn.

   4. Phòng ngừa bệnh

   Sau khi xử trí vết thương cần tiến hành tiêm vắc-xin và huyết thanh phòng, chống bệnh dại tùy theo vị trí bị cắn, mức độ nông sâu của vết thương:

   - Nếu vết cắn ở vùng đầu, mặt, cổ, bộ phận sinh dục, vết cắn sâu hoặc cắn nhiều chỗ... phải tiêm huyết thanh kháng dại SAR (serum antirabique). Có 02 loại huyết thanh kháng dại: loại bào chế từ huyết thanh người liều tiêm 20 đơn vị/ kg cân nặng cơ thể và loại bào chế từ huyết thanh ngựa liều tiêm 40đơn vị/kg cân nặng cơ thể.

   Sau khi tiêm huyết thanh kháng dại đồng thời tiêm vắc-xin phòng dại ngay, lưu ý không được tiêm 2 loại vắc-xin và huyết thanh kháng dại ở cùng vị trí gần nhau và không dùng chung bơm kim tiêm tránh trung hòa thuốc.

   - Tiêm vắc-xin phòng dại hiện nay có 2 loại đang dùng:

   + Vắc-xin Fuenzalida (Việt Nam sản xuất): Phác đồ tiêm 4-6 lần, tiêm trong da, mỗi lần tiêm cách nhau 2 ngày, liều người lớn 0,2ml, trẻ em 0,1 ml.

   + Vắc-xinVerorab (Nhập của Pháp): phác đồ tiêm 5 lần, tiêm bắp cơ delta cánh tay mỗi lần 1ml chứa 2,5 UI hoạt tính; tiêm vào các ngày: 0, 3, 7, 14 và 28.

   - Trong thời gian tiêm vắc-xin dại không được làm quá sức, tuyệt đối không uống rượu và các chất kích thích, không được dùng các loại thuốc làm giảm miễn dịch như nhóm corticoide, ACTH trong vòng 6 tháng.

   Vacxin phòng dại Verorab là loại vắc-xin an toàn, ít có phản ứng toàn thân, không gây ra các bệnh về não tủy, thời gian bảo vệ được 01 năm. Vắc-xinVerorab được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên dùng để tiêm cho những người bị súc vật nghi dại cắn và những người có nguy cơ mắc bệnh dại cao như: cán bộ thú y, kiểm lâm, làm thịt chế biến thực phẩm từ chó, mèo, động vật hoang dã ...

   Đến nay, vắc-xin hiệu quả và an toàn chủng ngừa bệnh dại cho người và động vật vẫn là những công cụ quan trọng để bảo vệ con người khỏi tử vong vì bệnh dại, trong khi đó nhận thức của cộng đồng mới thực sự là chìa khóa cho sự thành công của cuộc đấu tranh loại trừ bệnh dại.

 

 

Phan Đăng Tâm (Tổng hợp)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Liên kết website
Sở, ban ngành
Trung tâm Y tế Huyện/Thị xã/Thành Phố
Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế
Các đơn vị chuyên ngành phục hồi chức năng
Các tổ chức khuyết tật
Thống kê truy cập
Truy cập tổng: 7.450.164
Truy cập hiện tại: 7.818