Phục hồi chức năng là một ngành được xây dựng trên cơ sở y học hiện đại. Trải qua nhiều năm nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, ngành Phục hồi chức năng đã chứng minh vai trò của mình trong việc không chỉ giúp người khuyết tật thích nghi với môi trường sống mà còn tác động vào môi trường và xã hội tạo nên khối thống nhất cho quá trình hòa nhập của người khuyết tật. Hiện nay, nhiều người khuyết tật vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của dụng cụ chỉnh hình Phục hồi chức năng trong cuộc sống cũng như bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế xin trả lời một số câu hỏi để giúp cho người khuyết tật hiểu rõ hơn đồng thời có thể tiếp cận các dịch vụ cung cấp Dụng cụ chỉnh hình.
1. Dụng cụ phục hồi chức năng là gì?
Dụng cụ phục hồi chức năng là những dụng cụ hỗ trợ cho người khuyết tật thực hiện các hoạt động chức năng giúp tăng cường hoặc cải thiện những chức năng bị giảm sau khi bệnh hoặc tai nạn. Dụng cụ trợ giúp là một bộ phận quan trọng trong phục hồi chức năng, nó giúp người khuyết tật khắc phục được những vấn đề giảm khả năng và ngăn ngừa các biến dạng do sai tư thế. Đặc biệt ở các tuyến cơ sở, điều kiện kinh tế khó khăn hơn, việc tiếp xúc với công nghệ thông tin hạn chế hơn, do đó dụng cụ trợ giúp giúp những người có khó khăn vận động dễ tham gia các hoạt động xã hội hơn.
2. Có những loại dụng cụ phục hồi chức năng nào?
Các dụng cụ phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng nhằm giúp cho người khuyết tật tự di chuyển thân thể, sinh hoạt và hòa nhập xã hội. Người ta thường chia thành các nhóm sau: các dụng cụ vật lý trị liệu; dụng cụ giúp người khuyết tật di chuyển vị trí này sang vị trí khác; dụng cụ trợ giúp trong sinh hoạt; dụng cụ chỉnh hình (orthosis), dụng cụ thay thế (prothesis).
3. Phân biệt Dụng cụ chỉnh hình và dụng cụ thay thế?
Dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng (PHCN) là những dụng cụ có thể hỗ trợ người khuyết tật phục hồi những chức năng đã bị suy giảm, hoặc thay thế những bộ phận cơ thể bị khiếm khuyết. Tuy nhiên, vai trò thực sự của các dụng cụ chỉnh hình PHCN thì không phải người khuyết tật nào cũng hiểu rõ và thường xem nhẹ tầm quan trọng của những dụng cụ này. Các dụng cụ chỉnh hình PHCN có thể bao gồm nẹp chỉnh hình, áo chỉnh hình, giầy chỉnh hình… Tùy thuộc vào từng loại hình dụng cụ chỉnh hình PHCN khác nhau sẽ có những chức năng khác nhau khác nhau. Các dụng cụ chỉnh hình PHCN có cùng chung mục đích thay thế một phần cơ thể hoặc hỗ trợ phục hồi chức năng, tuy nhiên chức năng của các dụng cụ này còn phụ thuộc vào mức độ của các phẫu thuật cắt bỏ hoặc phụ thuộc vào người sẽ sử dụng chúng.
Dụng cụ thay thế: Là những dụng cụ được sử dụng để thay thế một bộ phận cơ thể đã mất với mục đích tăng tính thẩm mỹ hoặc phục hồi chức năng: chân, tay giả để thay thế cho phần chi bị cắt cụt. Cắt cụt chi là cắt và tạo lại đoạn chi bị tổn thương không còn khả năng bảo tồn được nhằm cứu sống con người và tạo mỏm cụt thích hợp cho việc lắp chi giả sau này. Tùy vào phần chi cắt cụt khác nhau sẽ có các loại chân tay giả khác nhau.
4. Ảnh hưởng khi có nhu cầu mà không sử dụng Dụng cụ chỉnh hình
Nếu nhìn nhận vấn đề một cách lâu dài và mức độ ảnh hưởng đối với sức khỏe của người khuyết tật, việc sử dụng dụng cụ chỉnh hình PHCN sẽ các ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe của người khuyết tật. Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng 60% người khuyết tật vận động không sử dụng dụng cụ chỉnh hình PHCN gặp các vấn đề như viêm gân, viêm bao hoạt dịch và viêm khớp. Việc giảm các hoạt động ở chân và tay, người khuyết tật dễ gặp phải các vấn đề trong việc tăng cân, khó khăn trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường và cao huyết áp, và tình trạng tim mạch xấu đi. Phù nề dưới chân mãn tính có thể dẫn đến nhiều vấn đề với lưu thông tĩnh mạch và loét ứ. Ngồi quá nhiều sẽ gây ra vấn đề co cứng hông và co cứng đầu gối, có thể rất đau đớn khi di chuyển.
5. Triển khai dịch vụ cung cấp Dụng cụ Phục hồi chức năng nói chung và Dụng cụ chỉnh hình nói riêng tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh TT Huế
Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm qua đã điều trị có hiệu quả cho hàng chục ngàn bệnh nhân là người khuyết tật và người có nhu cầu về phục hồi chức năng.
Được sự hỗ trợ từ dự án của Tổ chức dịch vụ Thiên chúa giáo Quốc tế dành cho người mù và những người tàn tật khác của Cộng hòa liên bang Đức (Christoffel-Blindenmission/Christian Blind Mission e.V – viết tắt là CBM), với mục tiêu là “Hỗ trợ người khuyết tật vân động tiếp cận tới các dụng cụ trợ giúp, chân tay giả và các dịch vụ hỗ trợ khác tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam”. Bệnh viện đã thành lập và triển khai một xưởng sản xuất dụng cụ phục hồi chức năng để phục vụ nhu cầu cho người khuyết tật tại tỉnh Thừa Thiên Huế kể từ tháng 01 năm 2022.
Theo kế hoạch, trong 6 tháng đầu năm bệnh viện sẽ tập trung sản xuất và cung cấp các dụng cụ vật lý trị liệu, dụng cụ giúp người khuyết tật di chuyển vị trí này sang vị trí khác, dụng cụ trợ giúp trong sinh hoạt. Từ quý III năm 2022 sẽ sản xuất các dụng cụ chỉnh hình và dụng cụ thay thế.
Người khuyết tật, người có nhu cầu về dụng cụ chỉnh hình có thể đến Bệnh viện Phục hồi chức năng, cơ sơ 1 tại 93 Đặng Huy Trứ, cơ sở 2 tại 30 Tô Hiến Thành để được khám, lượng giá và cung cấp dụng cụ chỉnh hình phù hợp để điều chỉnh tình trạng của mình.
Với sự hỗ trợ của công nghệ cao, các dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng dành cho người khuyết tật do bệnh viện cung cấp sẽ ngày càng thông minh, tiện lợi hơn với kích thước nhỏ gọn, giúp người khuyết tật dễ dàng hòa nhập cộng đồng.
Tóm lại, với những thông tin đã trình bày ở trên, chúng tôi hy vọng người khuyết tật và người có nhu cầu về dụng cụ chỉnh hình có thể hiểu rõ về tác dụng và hệ quả của việc sử dụng/không sử dụng dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng. Sẽ phần nào giúp cho người khuyết tật nhìn nhận đúng vai trò và sự cần thiết của dụng cụ này trong cuộc sống.