Từ khóa
Hưởng ứng Ngày quốc tế người cao tuổi (01/10): Quan tâm chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi - Chủ động thích ứng với già hóa dân số
Ngày cập nhật 28/09/2022

   Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới. Thời gian để chuyển từ giai đoạn “già hóa” sang giai đoạn “già” chỉ mất 20 năm. Già hóa dân số kéo theo sự thay đổi trong mô hình bệnh tật, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ an sinh xã hội, và nhu cầu sử dụng các dịch vụ hỗ trợ cho người cao tuổi. 

   Cùng với sự già hòa dân số, quy mô hộ gia đình ở Việt Nam cũng có sự thay đổi rõ rệt. Mô hình gia đình nhiều thế hệ dần dần được thay thế bằng gia đình hạt nhân với chỉ có bố mẹ và con cái. Sự di cư từ nông thôn lên thành thị và di cư đến các tỉnh thành khác trong cả nước của người trong độ tuổi lao động góp phần làm tăng tỷ lệ người cao tuổi (NCT) sống một mình và tỷ lệ gia đình khuyết thế hệ ở nông thôn (gia đình chỉ có ông bà sống với cháu). Những thay đổi này dẫn đến giảm số lượng và chất lượng trong chăm sóc sức khỏe (CSSK) NCT.
   Về phía Chính phủ, các vấn đề liên quan đến già hóa dân số được coi trọng trong Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội của Việt Nam. Vấn đề này cũng được đề cập đến trong nhiều chiến lược quốc gia khác nhau, ví dụ như Chiến lược Dân số và Sức khỏe Sinh sản, các chiến lược và chính sách của một số lĩnh vực khác. Đặc biệt Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã quan tâm đặc biệt đến nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NCT ở các khía cạnh thể chất, tinh thần và xã hội.

  Từ năm 1997, Thành phố Huế là thành viên trong dự án “Thành phố sức khỏe – Healthy city” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Từ đó nhiều dự án đã được tiến hành dưới sự hỗ trợ từ WHO, Nhật Bản, và nhiều quốc gia khác. Đến nay, các chương trình tăng cường sức khỏe cho người cao tuổi tiếp tục là một trong những ưu tiên của dự án “Thành phố sức khỏe – Healthy city”. UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch số 20/KH ngày 20/01/2022 về chăm sóc sức khoẻ NCT của tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030.

   Bên cạnh mức sinh cao Thừa Thiên Huế cũng đã già hoá. Hiện nay, tỷ lệ NCT của tỉnh là 14,6%. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, vấn đề già hóa đang đặt ra thách thức khi tốc độ già hóa có xu hướng tăng nhanh trong khi thu nhập bình quân đầu người đang còn ở mức thấp. Già hóa dân số đang trở thành một trong những chủ đề được quan tâm không chỉ ở tỉnh Thừa Thiên Huế mà trên cả nước. Già hóa dân số sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội bao gồm: thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về các hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi,…

Biến đổi tháp tuổi của tỉnh Thừa Thiên Huế  giai đoạn 2009- 2019

   Trong nhiều năm qua, các cấp uỷ Đảng và chính quyền rất quan tâm đến chương trình chăm sóc sức khoẻ NCT. Cùng với sự tham gia chủ động tích cực của Hội người cao tuổi các cấp, các ban ngành, đoàn thể và các tổ chức cá nhân, nhiều mô hình chăm sóc NCT đã được xây dựng và triển khai như mô hình các trung tâm chăm sóc NCT tập trung, mô hình chăm sóc NCT tại gia đình, tại các cơ sở y tế. Ngành y tế đã tổ chức khám sức khoẻ định kỳ và triển khai các chương trình quản lý bệnh nhân mạn tính cho NCT.

    Một số hoạt động chăm sóc sức khoẻ NCT

   Tuy nhiên, nhìn chung công tác chăm sóc sức khoẻ NCT vẫn còn nhiều khó khăn nhất định. Công tác chăm sóc sức khỏe NCT tại cơ sở chủ yếu vẫn do ngành y tế đảm nhận, thiếu sự liên kết giữa các ban ngành, đoàn thể địa phương. Các Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố Huế chưa có khoa lão khoa chuyên biệt. Công tác tuyên truyền ở cơ sở của đội ngũ cộng tác viên y tế - dân số, cán bộ Hội NCT cấp xã còn nhiều hạn chế. Các Câu lạc bộ NCT chỉ mới dừng lại ở mức độ sinh hoạt tại cộng đồng, chưa thực hiện được công tác tư vấn trực tiếp đến các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ gia đình có NCT sinh sống. Nguồn kinh phí còn hạn chế ảnh hưởng đến việc triển khai và mở rộng các hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT ở các cấp. Đặc biệt năm 2020, 2021 và đầu năm 2022, dịch Covid đã tác động và ảnh hưởng đến công tác quản lý, tư vấn, khám và cấp phát thuốc định kỳ cho người cao tuổi, đặc biệt là NCT do có nhiều bệnh nền, bệnh kép, 

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi

 

Nguồn: Đánh giá tình trạng và nhu cầu  CSSK của NCT tỉnh Thừa Thiên Huế - Võ Văn Thắng - Viện Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng, Trường Đại học Y Dược Huế

 

   Hưởng ứng Ngày Quốc tế người cao tuổi năm nay (1/10), ngành y tế đã tăng cường công tác truyền thông với chủ đề truyền thông là “Quan tâm chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi - Chủ động thích ứng với già hóa dân số”. Nội dung truyền thông gồm:

   Vận động nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; các nhà hoạch định chính sách; các chức sắc tôn giáo; những người có uy tín trong cộng đồng… về cơ hội, thách thức đối với việc chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi nhằm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, kế hoạch và đầu tư cho việc chủ động thích ứng với già hóa dân số; xây dựng môi trường chăm sóc sức khỏe thân thiện với người cao tuổi, nhất là ở gia đình và cộng đồng.

   Tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về: quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NCT; từng bước xóa bỏ định kiến cũ về chăm sóc sức khỏe NCT tại các cơ sở tập trung (nhà dưỡng lão, trung tâm dưỡng lão).

   Đặc biệt, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã tham mưu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuyên truyền phổ biến các văn bản của Nhà nước có liên quan đến chăm sóc người cao tuổi như: Luật người cao tuổi; Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 về hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 6/5/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn về quy trình khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi; Quyết định 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế phê duyệt đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 với mục tiêu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số; Kế hoạch số 20/KH ngày 20/01/2022 về chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi của tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030.

   Một trong những chỉ tiêu quan trọng biểu thị xu hướng già hóa dân số là chỉ số già hóa. Chỉ số già hóa là tỷ số giữa dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi tính theo phần trăm. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tỷ trọng dân số trẻ em dưới 15 tuổi có xu hướng giảm và tỷ trọng dân số từ 60 tuổi trở lên tăng đã làm cho chỉ số già hóa có xu hướng tăng lên nhanh trong hai thập kỷ qua, cụ thể: Chỉ số già hóa của tỉnh năm 2019 là 56,1% tăng 18,8 điểm phần trăm so với năm 2009 và tăng hơn ba lần so với năm 1999. Chỉ số già hóa có xu hướng tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo.

   Vì vậy, cần có những chính sách để đảm bảo thích ứng với già hóa dân số như: cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và hệ thống an sinh xã hội, chính sách lao động cho người cao tuổi nhưng vẫn đang tham gia hoạt động kinh tế giúp giải quyết các vấn đề về xã hội, nâng cao mức sống, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ, tăng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện, rà soát và điều chỉnh các chính sách liên quan để đảm bảo quy mô dân số hợp lý. Việc tuyên truyền về già hóa dân số cần mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao nhận thức của xã hội, người dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già.

 

Phan Đăng Tâm - Chi cục Trưởng DS-KHHGĐ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Liên kết website
Sở, ban ngành
Trung tâm Y tế Huyện/Thị xã/Thành Phố
Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế
Các đơn vị chuyên ngành phục hồi chức năng
Các tổ chức khuyết tật
Thống kê truy cập
Truy cập tổng: 7.429.125
Truy cập hiện tại: 628